Kết nối giao thương dược liệu: Chìa khóa phát triển kinh tế, đưa dược liệu Việt vươn tầm quốc tế

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế ) đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng trồng dược liệu.

Ngày 22/11, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế ) đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội nghị mở ra cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu khai mạc, TS Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết, Việt Nam được cho là 1 trong 15 nước có tiềm năng lớn về nguồn dược liệu. Có hơn 5.000 loài cây thuốc, dược liệu quý, hiếm vừa có công dụng chữa bệnh, vừa có giá trị kinh tế cao, như: sâm Ngọc Linh, sâm vũ diệp, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai…được phân bố rộng khắp trên cả nước, tập trung nhiều nhất ở các quần thể rừng tự nhiên vùng núi cao.

TS Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội nghị.

TS Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội nghị.

Để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Việt Nam đã nuôi trồng khoảng 80 loài/nhóm loài cây dược liệu. Nhiều địa phương đã xây dựng mô hình trồng các loài thuốc để tạo nguồn nguyên liệu tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như: vùng trồng cây quế tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Lạng Sơn (tổng diện tích 151.000 ha); vùng trồng cây hồi tại tỉnh Lạng Sơn (diện tích 41.000 ha)...

Tuy nhiên, các loại dược liệu chủ yếu được trồng bởi đồng bào dân tộc miền núi kết cấu hạ tầng còn thiếu, khó hình thành vùng sản xuất tập trung, không có quy trình quản lý, kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến độ an toàn và chất lượng dược liệu... Nhiều doanh nghiệp và địa phương vẫn đang phát triển các vùng sản xuất dược liệu mang tính tự phát, phong trào, cục bộ, chưa theo quy hoạch tổng thể. Vậy nên, sản lượng và chất lượng dược liệu không ổn định dẫn tới chất lượng sản phẩm không ổn định.

Đồng thời, việc truy xuất nguồn gốc - yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng và độ an toàn, khẳng định thương hiệu của dược liệu chưa được nhiều cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu quan tâm.

Ông Nguyễn Thế Hoàng - Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc chia sẻ tại hội nghị.

Ông Nguyễn Thế Hoàng - Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc chia sẻ tại hội nghị.

"Vậy nên, dù có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng đến nay diện tích, năng suất và sản lượng cây dược liệu sản xuất trong nước còn rất hạn chế; chưa thu hút được các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu cũng như đầu tư hạ tầng", TS Trần Minh Ngọc nói.

Đối với lĩnh vực dược liệu, việc hình thành chuỗi giá trị là rất quan trọng. Đây là sự kết nối giữa việc nuôi trồng, thu hoạch dược liệu, xây dựng cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu. Việc hình thành chuỗi giá trị cũng hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững như xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường...

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền hy vọng rằng, hội nghị sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp có thêm cơ hội giao lưu kết nối để tạo ra vùng trồng dược liệu phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thế Hoàng - Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc nhận định, hội nghị là mắt xích quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp với nhà sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đặc biệt là nuôi trồng dược liệu quý.

Toàn cảnh hội nghị kết nối giao thương phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Toàn cảnh hội nghị kết nối giao thương phát triển dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mong rằng, các doanh nghiệp có liên quan tới dược liệu, các cơ quan chủ trì kết nối, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào phát triển và đạt được mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra.

Bà Tạ Hoàng Lan - Chuyên gia Thương hiệu Quốc gia Việt nam (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) chia sẻ, việc phát triển nuôi trồng dược liệu tại các vùng đồng bào dân tộc miền núi là chìa khóa để nâng cao đời sống của người dân.

Dù có rất nhiều tiềm năng và dư địa nhưng tới nay việc nuôi trồng dược liệu vẫn gặp rất nhiều thách thức như tình hình sản xuất vẫn còn chưa phát triển, việc sản xuất chủ yếu tập trung tại các gia đình nhỏ lẻ nên quy trình sản xuất không theo quy chuẩn, sản lượng thấp, chi phí cao…

Thời gian tới, với vai trò là cơ quan đầu mối xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại cam kết sẽ đồng hành cùng với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền triển khai, tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, bà con; tổ chức phát triển chuyên ngành để các doanh nghiệp có cơ hội giao thương, quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp và bà con để tạo ra chuỗi liên kết thông suốt, bền vững trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp, triển khai các hoạt động truyền thông trên các trang web, trang mạng điện tử để giúp nhận diện thương hiệu cho các mặt hàng, doanh nghiệp được ghi nhận và biết tới ở các nước trên thế giới... Phối hợp với các đơn vị để ngày càng có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ket-noi-giao-thuong-duoc-lieu-chia-khoa-phat-trien-kinh-te-dua-duoc-lieu-viet-vuon-tam-quoc-te-169241122163254538.htm