Kết nối nguồn vốn vay ưu đãi

Ðể phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rất cần nguồn vốn ưu đãi, nhưng việc tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu, thủ tục vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư... còn nhiều vướng mắc. Ðiều này đòi hỏi có sự kết nối, cơ chế hợp tác, hỗ trợ giữa các bên để giúp các doanh nghiệp được tiếp thêm nguồn lực quan trọng này.

Sản xuất thiết bị tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Thương mại Kim Long (Cụm Công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, Hà Nội).

Sản xuất thiết bị tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Thương mại Kim Long (Cụm Công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, Hà Nội).

Nhằm tháo gỡ khó khăn và giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, Chính phủ, thành phố Hà Nội đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất các khoản vay, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, ưu tiên nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ...

Khát vốn, tiếp cận khó

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, một số chính sách trong chương trình phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp có tỷ lệ giải ngân thấp, việc xây dựng một số văn bản hướng dẫn còn chưa bảo đảm tiến độ yêu cầu đề ra, chưa hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp vào thời điểm cần thiết. Bên cạnh đó, việc tiếp cận của doanh nghiệp với các chính sách tín dụng, các chính sách hỗ trợ khác còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Trong khi đó nhu cầu về vốn để đầu tư, phát triển sản xuất của các doanh nghiệp hiện rất lớn, nhất là sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tham dự Hội nghị Kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ Ðầu tư phát triển thành phố Hà Nội mới đây, các doanh nghiệp đều bày tỏ việc khó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục khi muốn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận lãi suất cao hoặc thậm chí, phải vay tín dụng “đen” để có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân chia sẻ, do dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng, hiện doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực tài chính, nguồn vốn kinh doanh để mua sắm máy móc thiết bị, tái đầu tư sản xuất. Vì vậy, kiến nghị các tổ chức tín dụng quan tâm cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, đồng thời, xem xét các hình thức cho vay tín chấp, bảo lãnh ba bên...

Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) Lưu Hải Minh đề xuất, HAMI mong muốn cùng các các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, các quỹ hợp tác cùng nắm bắt các nhu cầu tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp; phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp hội viên cung cấp đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn bảo đảm tính chính xác, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giải quyết hồ sơ vay vốn theo quy định...

Lãi suất và các gói ưu đãi

Ðại diện cho các tổ chức tín dụng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, đáp ứng mong muốn của cả hai bên. Về vấn đề lãi suất, quan điểm chung của các ngân hàng là cùng nhau giải quyết bài toán khó, vừa giữ được lãi suất vừa kiềm chế lạm phát. Các ngân hàng cũng mong muốn dành các ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều gói vay lãi suất thấp, chính sách hỗ trợ.

Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sở Giao dịch Hồ Văn Tuấn cho biết, tại Vietcombank, tăng trưởng dư nợ tập trung mạnh vào một số ngành ưu tiên như công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực... Ðối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh việc ưu tiên room tín dụng, Vietcombank tiếp tục vận hành và ban hành thêm các chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi; tiếp tục áp dụng chương trình giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngay sau hội nghị này, Vietcombank đã nghiên cứu nhu cầu, đặc điểm để ban hành riêng ba gói sản phẩm chuyên biệt với những ưu đãi, chính sách hỗ trợ đến các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Tại hội nghị, Quỹ Ðầu tư phát triển thành phố Hà Nội, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội mong rằng, các ngân hàng, các quỹ sẽ có mối liên kết, trao đổi thông tin, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Các hội, các hiệp hội doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò cầu nối của doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng. Ðồng thời, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần chủ động, nhanh chóng tiếp cận, khai thác và tận dụng được nhiều hơn các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô.

NGUYÊN TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ket-noi-nguon-von-vay-uu-dai-post711098.html