Kết nối sản xuất- thương mại để đưa nông lâm sản Tây Bắc vươn ra thế giới
Chiều 1-7, tại Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), UBND tỉnh Sơn La, Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn trực tuyến 'Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc'.
Diễn đàn được giao cho Báo Nông nghiệp và Môi trường; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Văn phòng SPS Việt Nam; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Sở NN&MT tỉnh Sơn La thực hiện.
Diễn đàn được tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao sản lượng tiêu thụ nông lâm sản tại thị trường nội địa; định hướng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất - sơ chế - chế biến với tiêu thụ nông lâm sản; quảng bá sản phẩm có thương hiệu, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương trên cả nước.

Quang cảnh diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Sơn La.
Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa. Giá trị hàng hóa nông lâm sản xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD (trong đó Sơn La đạt 190 triệu USD, Điện Biên 22,4 triệu USD, Lai Châu trên 6,5 triệu USD, Lào Cai 25 triệu USD). Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu gồm: Cà phê 90 triệu USD; chè 22 triệu USD; tinh bột sắn hơn 36 triệu USD; nhãn, xoài khoảng 30 triệu USD; tinh dầu quế khoảng 22 triệu USD.
Đồng chí Cầm Thị Phong, Phó giám đốc Sở NN&MT tỉnh Sơn La cho biết, tổng diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm toàn tỉnh ước đạt gần 119.898 ha. Trong đó, cây ăn quả và sơn tra 85.050 ha, với sản lượng 510.000 tấn, còn cây công nghiệp lâu năm đạt 35.563 ha, sản lượng 102.078 tấn.
Tổng sản lượng cây ăn quả sản xuất tại Sơn La được tiêu thụ qua 3 kênh (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu). Một số sản phẩm quả tươi như xoài, nhãn đã được phân phối, tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị lớn như: Winmart, Big C, Lotte, Hapro... ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thanh Hóa…
Năm 2024, Sơn La xuất khẩu khoảng 8.900 tấn chè (trị giá 21,9 triệu USD), 31.700 tấn cà phê (trị giá 88,77 triệu USD), 7.600 tấn xoài tươi (trị giá 1,876 triệu USD) và 7.200 tấn chuối tươi (trị giá 2,1 triệu USD).

Đồng chí Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam phát biểu.
Theo đồng chí Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam: Tây Bắc hiện là khu vực trồng cây ăn quả lớn của cả nước, ngoài ra Tây Bắc còn có khoảng 40.000 tấn cà phê chè (Arabica). Nếu trước đây, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tự sản tự tiêu thì gần chục năm nay, khu vực Tây Bắc dần trở thành vùng sản xuất nông lâm sản quy mô hàng hóa lớn. Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Vì thế, việc tổ chức kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản của khu vực Tây Bắc là đòi hỏi cấp bách, có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế từ những loại nông lâm sản này.

Một gian hàng trái cây (cây ăn quả) của nông dân Sơn La được trưng bày, giới thiệu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng: "Chúng ta phải sản xuất nông nghiệp theo chuỗi là một yêu cầu tất yếu để phát huy lợi thế và hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả, cây công nghiệp của Sơn La cũng như của các tỉnh khu vực Tây Bắc".
Hiện sản xuất ở các tỉnh trong khu vực còn phân tán, nhỏ lẻ; liên kết chuỗi chưa bền vững; công nghệ chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu thô. Để phát triển bền vững, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư hạ tầng logistics và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sâu vào chuỗi giá trị.