Kết nối thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại

Ngày 17/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại. Các ý kiến cho rằng, thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn uống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người. Vì vậy, quản lý an toàn thực phẩm, nhất là trên môi trường thương mại điện tử, là vấn đề cấp thiết.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương cho biết, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Gần đây, xu hướng thực phẩm an toàn có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đây là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, xu hướng tiêu dùng sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc biệt là nông sản, thực phẩm sạch không nằm ngoài hướng đi chung. Việt Nam đang và sẽ có một số yếu tố thuận lợi như thu nhập của người tiêu dùng tăng cao. Bên cạnh đó, sự đầu tư vào sức khỏe ngày càng được quan tâm hơn. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có được những sản phẩm yên tâm về chất lượng, tốt cho sức khỏe.

Trong khi đó, đối với nguồn cung, hiện nay, nền sản xuất của Việt Nam đang phát triển cả về chất lượng, số lượng và phong phú về chủng loại, thân thiện với môi trường. Các kênh phân phối cũng đang được phát triển đa dạng và hiện đại, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng hơn trong việc mua sắm các loại nông sản, thực phẩm theo nhu cầu.

Với những đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng các loại nông sản, thực phẩm được đưa vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại được rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng chọn lựa là nơi mua bán sản phẩm an toàn uy tín.

Hiện nay, hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm. Hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đa số được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả; hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống nên hàng hóa được đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Nguồn cung đã có, nhu cầu tăng cao, thời gian qua, công tác kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục được các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là Bộ Công Thương quan tâm thực hiện, góp phần thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trên cả nước. Qua đó, nhiều địa phương đã hình thành nhiều chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; quảng bá nông sản ra các tỉnh, thành khác; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, gắn với thị trường và theo chuỗi giá trị. Công tác kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục là cầu nối để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

"Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông triển khai mạnh công tác thông tin, tuyên truyền một cách chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn… thông qua đa dạng các hình thức truyền thông như tin, bài, ảnh, talkshow, hội thảo… Các hoạt động này bên cạnh việc cung cấp thông tin cho người đọc, cũng là giải pháp để quảng bá các kênh tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm", ông Cường cho hay.

Về vấn đề quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử, bà Lê Thị Hà, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn uống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người. Do đó, an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội, không những ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, đến tính mạng người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội.

Thương mại điện tử cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cộng nghệ đang là phương thức kinh doanh phổ biến làm thay đổi nhiều cách thức mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Người dân có thể dễ dàng mua các thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến sẵn sàng tiêu thụ trên thị trường mạng chỉ trong vài phút đặt hàng, thanh toán và nhận đơn hàng tận cửa. Các mặt hàng thực phẩm ngày càng xuất hiện nhiều trên thương mại điện tử thông qua các website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử trên các thiết bị di động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc kiểm soát chất lượng, việc quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử hiện nay như thế nào và giải pháp trọng tâm trong quản lý an toàn thực phẩm thời gian tới.

"Năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử: rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện (đặc biệt đối với các sàn có kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia) và một số sản phẩm theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm các sản phẩm sản phẩm Diệp Bảo - Kem trẻ em; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe HYPERCARE, L²: SKIN COLLAGEN, Bình Vị Quản, Viên Uống Bách Antri và NANO FUCOIDAN; và các loại bánh trung thu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Kết quả đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm...", bà Hà thông tin.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ket-noi-thuc-pham-an-toan-vao-kenh-phan-phoi-hien-dai-153648.html