Kết nối tiêu thụ nông sản

Nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cá nhân sản xuất nông nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường. Từ đó, giúp nông dân nâng cao thu nhập, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

Tọa đàm trao đổi hợp tác giữa tỉnh Long An và TP.Okayama (Nhật Bản)

Tọa đàm trao đổi hợp tác giữa tỉnh Long An và TP.Okayama (Nhật Bản)

Nhu cầu thực tế

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Long An có nhiều tiềm năng phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh có những chủ trương, chính sách nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu thị trường. Vì vậy, hiện nay, tỉnh có nhiều nông sản được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như dưa hấu Long Trì, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, thanh long Châu Thành, khóm Bến Lức, đậu phộng Đức Hòa, khoai mỡ Bến Kè,...

Tuy nhiên, số lượng cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Cùng với đó, phần lớn các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, chế biến thủ công, hệ thống máy móc chưa đồng bộ.

Các sản phẩm nông sản tuy đa dạng về chủng loại nhưng khối lượng không lớn, chưa được chế biến sâu và chưa có vùng nguyên liệu tập trung, nhãn mác hàng hóa chưa đầy đủ thông tin.

Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa quan tâm việc đăng ký nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm và các hoạt động quảng bá, kết nối, tìm kiếm thị trường.

Hội chợ, triển lãm kết nối cung - cầu là cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá, tìm đầu ra cho hàng hóa, nông sản

Hội chợ, triển lãm kết nối cung - cầu là cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá, tìm đầu ra cho hàng hóa, nông sản

Để đồng hành, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Trần Thanh Toản, thời gian qua, Sở triển khai công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để hỗ trợ các DN, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh nông sản ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, xuất khẩu và trên các sàn thương mại điện tử.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, đã hỗ trợ 157 lượt DN tham gia trực tiếp hội chợ, triển lãm; 41 lượt DN tham gia kết nối cung - cầu; tổ chức 5 chương trình phát triển ngoại thương với 90 lượt DN tham gia; 2 chương trình kết nối giao thương với 41 lượt DN tham gia; 2 chương trình phát triển thị trường trong nước với 40 lượt DN tham gia.

“Sở thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường, chính sách thuế quan, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho tổ chức, cá nhân nắm và có hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu thị trường” - ông Trần Thanh Toản cho biết.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Ân (huyện Cần Đước) - Lâm Sơn Hải chia sẻ: “HTX rất phấn khởi khi được Sở Công Thương tạo cơ hội trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Các hội chợ chính là diễn đàn để HTX gặp gỡ, kết nối với khách hàng gần xa. Qua đó, có được những hợp đồng tiêu thụ lớn, lâu dài”.

Hỗ trợ kết nối thị trường

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, đã hỗ trợ 157 lượt DN tham gia trực tiếp hội chợ, triển lãm; 41 lượt DN tham gia kết nối cung - cầu; tổ chức 5 chương trình phát triển ngoại thương với 90 lượt DN tham gia; 2 chương trình kết nối giao thương với 41 lượt DN tham gia; 2 chương trình phát triển thị trường trong nước với 40 lượt DN tham gia.

Cùng với đó, Trung tâm hỗ trợ 23 DN chế biến nông sản xây dựng, vận hành ổn định website bán hàng và đưa 20 sản phẩm nông sản lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh; tổ chức tập huấn kỹ năng bán hàng trên mạng xã hội cho các DN, hộ kinh doanh. Đến nay, có 68 gian hàng tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh với 265 sản phẩm; số lượng giao dịch trên Sàn thương mại điện tử Postmart là 3.827 giao dịch.

Việc hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản đã và đang được tỉnh tăng cường thực hiện thực sự trở thành “cầu nối” thúc đẩy, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ cho các tổ chức, DN, hộ kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là từng bước tiếp cận được thị trường quốc tế./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ket-noi-tieu-thu-nong-san-a181250.html