Kết nối việc làm cho lao động về nước
Tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối trong những năm qua tại thị trường lao động Hàn Quốc.
Một số địa phương tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa thông báo tiếp tục tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh, do vẫn còn tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Theo Bộ LĐTB&XH, việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022.
Theo đó, việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
Việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng đối với người lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian phía Hàn Quốc thực hiện miễn xử phạt.
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực chủ yếu như sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp…
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), hồi tháng 1/2023, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã có thông báo áp dụng mức lương tối thiểu năm 2023 đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc. Theo đó, mức lương tối thiểu theo giờ là 9.620 won, tính theo tháng (chuẩn tổng 209 giờ/tháng, 40 giờ/tuần + 8 giờ/tuần thời gian nghỉ có lương) là 2.010.580 won.
Như vậy, mức lương này đã tăng 5% so với năm 2022, tương đương trên 37,3 triệu đồng/tháng. Mức lương này được áp dụng đồng nhất trong tất cả các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cải tiến chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài. Một trong những nội dung chính là thúc đẩy hình thành nhân lực nước ngoài lành nghề phục vụ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp thông qua áp dụng chế độ làm việc liên tục có thâm niên, kéo dài thời hạn cư trú cho người lao động và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động nhằm hình thành nhân lực nước ngoài lành nghề.
Theo đó, lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc nếu đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian làm việc ở doanh nghiệp cũng như những yêu cầu nhất định, có thể được kéo dài thời hạn cư trú đến 10 năm.
Tìm giải pháp cho lao động xuất khẩu hết hợp đồng
Trước đó, Bộ LĐTB&XH cũng đã đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất họp pháp về nước. Việc áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương sẽ căn cứ vào tỷ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước vẫn là một trong những vấn đề cần sớm khắc phục trong những năm qua tại thị trường Hàn Quốc. Có nhiều nguyên nhân song chủ yếu do chênh lệch về thu nhập của người lao động làm việc trong nước và nước ngoài rất lớn. Vì vậy, nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng.
Theo ông Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp là một trong những lý do khiến nhiều lao động Việt Nam tại Hàn Quốc lo lắng khi hết hạn hợp đồng sẽ không tìm được việc làm ở quê hương. Do vậy, hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng.
Ở góc độ đơn vị kết nối nhân lực, trong đó có các thị trường nước ngoài, bà Đỗ Thùy Linh - Giám đốc tuyển dụng Công ty cổ phần kết nối nhân lực Work Link đánh giá, nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài về có lợi thế về vốn tiếng, cũng như hiểu biết về văn hóa, cách thức làm việc với người nước ngoài. Những yếu tố này sẽ giúp họ sớm hòa nhập được vào môi trường làm việc tại các công ty nước ngoài ở Việt Nam khi được tuyển dụng.
Hàng năm, Bộ LĐTB&XH đều có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc tại một số địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao. Theo các chuyên gia, giải pháp này chỉ có thể giải quyết phần ngọn, về lâu dài việc kết nối tạo việc làm cho người lao động sau khi hết hạn về nước mới là giải pháp bền vững.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ket-noi-viec-lam-cho-lao-dong-ve-nuoc-5712177.html