Kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Ðầu tư xây dựng đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh là dự án giao thông có tính kết nối liên vùng duy nhất đến thời điểm này ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Thành phố Hồ Chí Minh cùng ba tỉnh có dự án đi qua là Bình Dương, Ðồng Nai và Long An đang dồn sức, thể hiện sự quyết tâm cao nhất để triển khai thực hiện, nếu dự án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.

Một góc hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức. (Ảnh minh họa: Vũ Nguyên)

Một góc hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức. (Ảnh minh họa: Vũ Nguyên)

Hơn 10 năm trước, quy hoạch chi tiết đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1697/QÐ-TTg ngày 28/9/2011, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân về nguồn vốn đầu tư, mặt bằng thi công liên quan nhiều địa phương, kể cả sự thiếu quyết tâm của các cấp, các ngành và chính quyền sở tại… nên dự án kéo dài. Nay, dự án được "kích hoạt" trở lại với sự nhìn nhận là một dự án cấp thiết đáp ứng yêu cầu phát triển.

Dẫn câu chuyện một doanh nghiệp chia sẻ việc chở hàng từ cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) đến Tây Ninh còn tốn kém hơn chở từ Trung Quốc về thành phố Hồ Chí Minh, một chuyên gia kinh tế cho rằng: Việc đầu tư đường vành đai 3 đã rất cấp thiết, chậm ngày nào thiệt hại thêm ngày đó. Xây dựng đường vành đai 3 chính là hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, chính quyền các tỉnh, thành phố ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng nhìn nhận tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ tiếp tục gia tăng, cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém chính là nguyên nhân gây tắc nghẽn, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Do đó, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường vành đai 3 với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ góp phần giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận.

Ðường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài toàn tuyến khoảng 76,34km, khi hoàn thành sẽ kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ðồng Nai, Tây Ninh, hình thành một vành đai công nghiệp trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố trong vùng, gắn với nhiều cụm cảng lớn như Cái Mép-Thị Vải, Cát Lái; các cảng cạn ICD (cảng khô, cảng nội địa) tạo sự cộng hưởng và lan tỏa về cơ sở hạ tầng giao thông. Khi khép kín tuyến đường này, còn thúc đẩy giao thương giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện cho các vùng và thu hút các nhà đầu tư tới những dự án liền kề vành đai 3.

Bên cạnh đó, nhiều lợi ích khác do dự án mang lại chưa thể lượng hóa được như: Tăng hiệu quả sử dụng đất đai; hiệu quả về thay đổi cơ cấu xã hội, dân cư; hiệu quả về chính trị, quản lý hành chính; nâng cao năng lực vận tải; cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực…

Thống kê cho thấy, tuy diện tích chỉ chiếm 9,2% nhưng GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam chiếm hơn 45% cả nước và gần 51% GRDP của bốn vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp hơn 42% tổng thu ngân sách; trong đó, có bốn địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thuộc nhóm cao nhất (thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương).

Dự án đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh cũng mở ra cơ hội mới nếu các địa phương biết tận dụng chủ trương "lấy đất nuôi công trình" từ việc tạo quỹ đất dọc tuyến đường để đấu giá tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, chia sẻ phần nào nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp.

Ước tính, khi mở đường vành đai 3, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 2.413ha đất, trong đó khoảng 514ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý có thể khai thác bán đấu giá khoảng 26.985 tỷ đồng. Tỉnh Ðồng Nai có khoảng 214ha đất, dự kiến bán đấu giá khoảng 4.332 tỷ đồng; các tỉnh Bình Dương, Long An cũng đang rà soát, cập nhật quỹ đất có thể khai thác đấu giá…

Ưu tiên đầu tư sớm đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh với hình thức đầu tư công bằng một chủ trương đầu tư của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để dự án này sớm thành hiện thực, tạo điều kiện để các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục cất cánh phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhan-dinh/ket-noi-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-699669/