Kết quả COP27 khiến nhiều quốc gia thất vọng

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) đã kết thúc vào ngày 20/11 (chậm hơn kế hoạch 2 ngày) và thông qua một thỏa thuận khí hậu tổng quát. Tuy nhiên, nhiều quốc gia tỏ ra không hài lòng với kết quả của COP27.

Bỉ: sự thiếu tin tưởng giữa các bên là quá lớn

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Khí hậu Bỉ Zakia Khattabi cho biết: “Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng chúng ta đang hướng tới mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2,5 độ C. Đây là một thảm họa đối với nhân loại, và đặc biệt đối với các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất".

Nhiều báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) đã nhận định thập kỷ hiện tại sẽ mang tính quyết định để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C.

Tuy nhiên, bà Khattabi cho rằng thỏa thuận được công bố vào cuối Hội nghị COP27 không đủ để đảm bảo rằng những nước thải ra nhiều CO2 nhất sẽ đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải.

Thỏa thuận khí hậu tổng quát của COP27 gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Dreamstime

Thỏa thuận khí hậu tổng quát của COP27 gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Dreamstime

Bộ trưởng Khí hậu Bỉ nhấn mạnh, Chương trình Công tác giảm nhẹ cần trở thành một công cụ giám sát và chỉ đạo hiệu quả để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hiệp ước Glasgow.

Mặc dù COP27 đã quyết định tạo ra một quỹ đền bù cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của biến đổi khí hậu. Bà Khattabi cho rằng điều đáng tiếc là các biện pháp giảm phát thải dường như đã bị gạt sang một bên, sự thiếu tin tưởng giữa các bên là quá lớn và đè nặng lên các cuộc đàm phán.

Theo bà, ưu tiên phải là giúp khôi phục lòng tin, đó là điều kiện tiên quyết cần thiết cho một thỏa thuận đầy tham vọng hơn trong tương lai.

Liên Hợp Quốc và EU: thỏa thuận COP27 chưa đủ tham vọng về cắt giảm khí thải

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, Hội nghị COP27 đã chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Theo ông Guterres, "hành tinh của chúng ta vẫn đang trong tình cảnh nguy cấp. Chúng ta cần giảm mạnh ngay khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề mà COP27 chưa giải quyết được".

Đại diện Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ thất vọng vì thỏa thuận cuối cùng của COP 27 "vẫn thiếu tham vọng về giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính".

Phát biểu tại phiên bế mạc COP27, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans nhấn mạnh, thỏa thuận cuối cùng này vẫn chưa đủ tạo bước tiến cho người dân và Trái đất.

Theo ông Timmermans, những nỗ lực mới của các nước giàu có và cũng là những nước có phát thải lớn vẫn là chưa đủ để tăng cường và đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải.

Điều gây thất vọng cho giới phân tích là thỏa thuận tại COP27 không đi xa hơn so với thỏa thuận đã đạt được tại COP26 năm 2021 liên quan tới các vấn đề chủ chốt.

Hội nghị COP27. Ảnh: Reuters

Hội nghị COP27. Ảnh: Reuters

Ông Frans Timmermans, Đặc phái viên phụ trách Chính sách Khí hậu của Liên minh châu Âu, cũng tuyên bố những gì đã đạt được tại COP27 là chưa đủ.

Theo ông, "đây là một thập kỷ mang tính quyết định nhưng những gì chúng ta có trước mắt là chưa đủ để xem như một bước tiến cho người dân và hành tinh này. Các nước gây ô nhiễm nhất vẫn chưa đóng góp thêm đủ nỗ lực để cắt giảm lượng khí phát thải. Hội nghị này cũng không mang đến sự tự tin lớn hơn rằng chúng ta sẽ hoàn thành được các cam kết đã đưa ra trong Thỏa thuận Paris 2015 và tại COP26 ở Glasgow năm ngoái".

Pháp dự định tổ chức Thượng đỉnh riêng về khí hậu trước khi diễn ra COP28

Theo phóng viên VOV tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố thỏa thuận vừa đạt được tại Thượng đỉnh khí hậu COP27 tại Ai Cập là chưa đủ tham vọng và cho biết nước Pháp muốn tổ chức một Thượng đỉnh riêng để xây dựng một Thỏa ước tài chính mới với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trước khi COP28 diễn ra vào cuối năm 2023 tại Dubai (UAE).

Ngay sau khi COP27 kết thúc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng về những gì mà COP27 đạt được.

Theo ông Macron, mặc dù COP27 đã nỗ lực đến phút cuối cùng để đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử về việc lập một Quỹ đền bù “tổn thất và thiệt hại” cho các nước chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu nhiều thập kỷ qua nhưng COP27 đã kết thúc mà không có được các đột phá trong việc cam kết cắt giảm thêm mức phát thải carbon.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hoài nghi về tính hiệu quả của Quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại khi cho rằng còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến hoạt động của Quỹ này, từ quy mô số tiền sẽ được các quốc gia phát triển chi ra cho đến cơ chế quản trị.

Ông Macron cho biết Pháp dự định tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh nhằm mục tiêu xây dựng một thỏa ước tài chính mới với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu, trước khi COP28 diễn ra vào tháng 11/2023.

Thỏa ước này sẽ tập trung vào việc cải tổ sâu rộng cơ chế liên quan đến các khoản vay phát triển quốc tế. Đây cũng là đề xuất được nhiều quốc gia đang phát triển đưa ra tại COP27, theo đó các quốc gia phát triển và các định chế tài chính thế giới cần phải cải cách hệ thống tín dụng quốc tế hiện nay nhằm tạo thuận lợi cho các nước thế giới thứ ba.

Đức: thỏa thuận COP27 mang tới "hy vọng lẫn thất vọng"

Theo AFP, Đức bày tỏ cả "hy vọng và thất vọng" về kết quả của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) kết thúc ngày 20/11.

Trên Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock viết về COP27: "Chúng ta đã tạo ra bước đột phá về công lý trong vấn đề chống biến đổi khí hậu với sự liên kết rộng rãi của các quốc gia sau nhiều năm trì trệ".

Tuy nhiên, theo bà, kết quả COP27 thiếu tham vọng giảm khí thải, đồng nghĩa với việc "thế giới đang mất thời gian quý báu trên đường tiến tới giới hạn tăng nhiệt trên Trái đất ở mức 1,5 độ C".

Điều khoản đáng chú ý nhất trong thỏa thuận tổng quát của COP27 là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Thỏa thuận cuối cùng của COP27 bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng lần đầu tiên đề cập tới năng lượng tái tạo, trong khi nhắc lại những kêu gọi trước đây về tăng cường nỗ lực hướng tới giảm dần điện than và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Nguồn: tổng hợp

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//ket-qua-cop27-khien-nhieu-quoc-gia-that-vong-179221121114925187.htm