Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ

Phát biểu thảo luận tại Quốc hội, chiều 1/6, về nội dung kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, ý kiến của nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: VGP

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: VGP

Đại biểu cho rằng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, góp phần thực hiện hiệu quả công tác này.

Khẳng định, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cho rằng, hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh và cùng với đó là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ, định mức là thước đo và là cơ sở quan trọng để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả.

Trong năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã làm tương đối tốt nội dung công việc này. Tuy nhiên, Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công.

Theo đại biểu Lý Thị Lan, tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ. Việc chậm trễ này gây lãng phí cơ hội thực hiện chương trình, cũng là lãng phí cơ hội của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong việc thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm thiểu lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ máy, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để nâng cao hơn nữa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đánh giá, báo cáo của Chính phủ đã thể khái quát, toàn diện các nội dung về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 với các số liệu cụ thể. Đồng thời, có phân tích, đánh giá từng phần, từng nhóm, lĩnh vực và hoạt động, thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và những chỉ tiêu chưa hoàn thành.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có những giải pháp hiệu quả hơn để xử lý vấn đề chậm, nợ đọng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế.

Có thể thấy, việc chậm và nợ chính là chướng ngại vật làm tắc con đường chính sách của Nhà nước đến với người dân, không chỉ là lãng phí mà còn là đạo đức chức nghiệp.

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại các ý kiến, kiến nghị đã được nêu tại các báo cáo giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, cũng như kết quả thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành. Tập trung hoàn thiện nhanh các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, quản trị xã hội và tổ chức thực hiện một cách thực chất và hiệu quả.

Các đại biểu cho rằng, mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn thách thức, nhưng với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, nhất là trong đầu tư công, phân bổ giải ngân, thanh quyết toán vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; trong quản lý ngân sách, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công. Nhiều thủ tục hành chính còn gây phiền hà, cản trở người dân, doanh nghiệp và ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, tình trạng lãng phí đất đai rất lớn. Đó là tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương. Trong khi nhu cầu tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn, song còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ sở pháp lý.

Cùng với đó là lãng phí trong quản lý đất đai, tài sản của các dự án do chậm thi hành án, trong thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm tra và chưa có giải pháp khắc phục dứt điểm. Nêu lên thực trạng này, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hiệu quả hơn để khắc phục, xử lý hiệu quả trong thời gian tới.

Ở góc độ khác, nhận định vấn đề lao động là một trong 3 trụ cột cho phát triển nhưng hiện nay còn lãng phí nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị "cần có kiểm điểm xem xét lại năng suất lao động không đạt là do đâu? Do người lao động, cán bộ công nhân viên chức không chịu làm việc hay do quản lý? Đối với cán bộ công chức viên chức cần quan tâm đến cơ chế tăng lương và nên coi tăng lương là đầu tư vào con người. Nếu không có mức lương phù hợp thì cán bộ sẽ ra ngoài làm, mất đi nguồn lực".

Hải Liên

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ket-qua-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-da-the-hien-su-chu-dong-quyet-tam-cua-chinh-phu-102230601165821234.htm