Kết thúc buồn cho 3 vị Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình!
Đến thời điểm này, Ban Bí thư đã tiến hành kỷ luật đối với cả 3 vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là các ông Hoàng Tiến Đức, Vũ Văn Sử và Bùi Trọng Đắc.
Vụ án tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã xảy ra cách đây hơn một năm về trước. Đến thời điểm này, Ban Bí thư đã tiến hành kỷ luật đối với cả 3 vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là các ông Hoàng Tiến Đức, Vũ Văn Sử và Bùi Trọng Đắc.
Rõ ràng, những điều cần đến cũng đã đến rồi, những người đứng đầu ngành giáo dục đã phải chịu hình thức kỷ luật về mặt Đảng và có thể còn chịu thêm một số hình thức kỷ luật nữa trong thời gian tới đây.
“Điểm đến” của 3 vị Giám đốc Sở...
Ngày 5/11/2019, Ban Bí thư đã tiến hành họp và đưa ra hình thức kỷ luật đối với ông Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) và Bùi Trọng Đắc (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình).
Ông Vũ Văn Sử được xác định gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành giáo dục, các cá nhân, gây bức xúc dư luận xã hội, cần phải được thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Vũ Văn Sử bằng hình thức "khai trừ ra khỏi Đảng".
Ông Bùi Trọng Đắc được xác định gây hậu quả rất nghiêm trọng và đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và các cá nhân, gây bức xúc dư luận xã hội, cần phải được thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Bùi Trọng Đắc bằng hình thức "Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020".
Trước đó, ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cũng đã bị "Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng" vào ngày 19/6/2019.
Như vậy, “điểm đến” của 3 vị Giám đốc Sở Giáo dục thời điểm để xảy ra tiêu cực ở kỳ thi năm 2018 đều đã bị kỷ luật của Ban Bí thư. Trong 3 vị này thì chỉ mới có ông Vũ Văn Sử được về hưu chính thức, ông Đắc, ông Đức thì có lẽ đang còn phải đi chữa bệnh dài dài trong bệnh viện!
Ngành giáo dục mất uy tín nghiêm trọng
Mấy năm nay, ngành giáo dục nước nhà dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn luôn gặp phải những sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, sự cố lớn nhất và để lại hậu quả ghê gớm nhất thì chắc chắn là vụ án gian lận điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.
Với 215 thí sinh của 3 địa phương này được nâng khống điểm, nhiều thí sinh được nâng khống hàng chục điểm, thậm chí có thí sinh được nâng khống đến gần 30 điểm/ 3 môn thi.
Một số thí sinh có điểm thấp cũng đã được điền tên vào danh sách những thủ khoa của một số trường đại học. Sau khi chấm thẩm định lại thì phần lớn các thí sinh này đã bị đuổi học vì không đủ điểm chuẩn của các trường đại học. Trong số đó, có những thí sinh không đủ điểm để... đậu tốt nghiệp.
Ngành giáo dục bị mất uy tín nghiêm trọng, bị mai một niềm tin với người dân cả nước sau sự cố này. Bởi, trong số hàng trăm thí sinh được nâng điểm thì chủ yếu là con của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả con của người đứng đầu địa phương là Bí thư tỉnh ủy.
Con Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở cũng lên đến hàng chục người. Điều trớ trêu nhất là những lãnh đạo, chuyên viên của 3 Sở Giáo dục đã có rất nhiều người dính líu vào vụ án tiêu cực này. Trong số họ, có người bị khai trừ khỏi đảng, bị cách chức, bị truy tố và phải nhận án tù.
Những nhà giáo ưu tú, những nhà giáo đã đi trọn, gần đi trọn cuộc đời với ngành giáo dục cũng đã đã tự đánh mất đi danh dự bản thân, làm mất đi uy tín của ngành. Lòng tham của một số lãnh đạo ngành giáo dục của 3 địa phương này đã chà đạp lên nhân phẩm của người thầy và làm những điều đi ngược với lương tâm và đạo đức của nhà giáo.
Rồi, hàng chục lãnh đạo, chuyên viên có con, có cháu được nâng điểm dù chỉ nhờ “xem điểm” sẽ ăn nói làm sao với đồng nghiệp, sẽ cư xử như thế nào khi về cơ sở, sẽ giáo huấn cấp dưới của mình như thế nào về lòng trung thực, về đạo đức của người thầy giáo trong những cuộc họp, tập huấn…tới đây?
Có thể họ đánh tráo khái niệm từ nhờ "nâng điểm" sang nhờ "xem điểm" để tránh được tội lỗi của mình, để lấp láp đi những điều xấu hổ cho hành động của mình và đảm bảo được vị trí mà họ đang ngồi.
Nhưng, giữa thời đại công nghệ thông tin này làm sao họ có thể giấu được với đồng nghiệp, với cấp dưới của mình, mà: “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Dư luận trông chờ vụ án ở Hòa Bình, Sơn La được xử lý nghiêm minh
Đến thời điểm này, Hà Giang đã xét xử xong án sơ thẩm về vụ án gian lận điểm thi năm 2018. Hòa Bình thì chưa đem ra xét xử, Sơn La thì đã phải hoãn để điều tra bổ sung.
Chính vì thế, dư luận trông chờ Hòa Bình và Sơn La sẽ làm đến cùng, làm khác với Hà Giang và chắc chắn là nó sẽ khác bởi 2 địa phương này không nâng điểm bằng “tình cảm” giống như Hà Giang. Nhất là vụ án gian lận điểm thi ở Hòa Bình đang được Bộ Công an điều tra.
Điều trông chờ nữa là các cơ quan điều tra sẽ làm rõ được tác động cụ thể của phụ huynh 215 thí sinh chứ không phải chỉ có 2 phụ huynh bị truy tố là ông Phạm Văn Khuông và bà Lò Thị Trường. Nhất là đối với những người đang giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở 3 địa phương này chứ không phải là sự “thế thân” để thoát hiểm ngoạn mục như chúng ta đang thấy.
Trong 3 vị Giám đốc Sở cũng cần được làm rõ hơn, giống như kết luận của Ban Bí thư chứ không phải là những lời đãi bôi kiểu ông Vũ Văn Sử nói trước tòa hôm vừa rồi.
Đặc biệt là lời khai của ông Trần Xuân Yến về việc ông Hoàng Tiến Đức nhờ nâng điểm cho 8 thí sinh ở Sơn La cũng cần được làm rõ.
Hy vọng, ông Hoàng Tiến Đức, ông Bùi Trọng Đắc sẽ hết bệnh và tham dự phiên tòa xét xử trong thời gian tới ở Hòa Bình và Sơn La để trắng đen được tỏ tường chứ đừng nên lẩn tránh nữa!