Kết thúc ủy quyền, đường thủy ở miền Trung quản lý thế nào?
Nhiều địa phương xin thôi ủy quyền quản lý tuyến đường thủy, Cục Đường thủy nội địa VN đã xây dựng phương án tiếp nhận.
Địa phương gặp khó
Bộ GTVT vừa quyết định kết thúc ủy quyền cho Sở GTVT Quảng Nam thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về GTVT đường thủy nội địa (ĐTNĐ) tại cảng, bến thủy nội địa và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ĐTNĐ.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị chấm dứt việc ủy quyền. Trong đó, địa phương nêu một số khó khăn trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là không đủ nhân lực.
Lực lượng Thanh tra GTVT Quảng Nam chỉ có 21 biên chế, nhưng phải đảm nhận thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi trên 176km ĐTNĐ địa phương và trên 165km ĐTNĐ trung ương.
Đội quản lý bến thủy nội địa là bộ phận thuộc Thanh tra GTVT Quảng Nam, chỉ bao gồm 6 cảng vụ viên, nhưng đang đảm nhận thực hiện quản lý cấp phép cho trên 280 phương tiện thường xuyên làm thủ tục ra, vào bến tại 14 bến.
Do đó, không đảm đương được nhiệm vụ đã được ủy quyền, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Năm 2022, Thanh Hóa, Nghệ An cũng có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị kết thúc ủy quyền và thành lập cảng vụ thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam để triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn.
Tháng 12/2022, Bộ GTVT đã có quyết định kết thúc ủy quyền đối với hai tỉnh này. Lý do được tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đưa ra cũng tương tự như tỉnh Quảng Nam.
Lý giải thực trạng này, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, khu vực miền Trung từ Thanh Hóa tới Quảng Nam có trên 5.000km đường sông có khả năng khai thác vận tải.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh chưa triển khai được cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.
Cụ thể, công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa bàn tỉnh gồm 3 nhiệm vụ chính: Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trên tuyến ĐTNĐ quốc gia; quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cảng, bến trên tuyến ĐTNĐ quốc gia; công tác thanh tra, kiểm tra. Đây là các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục.
Ở giai đoạn trước, đối với 8 tỉnh/thành phố miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, đều được Bộ GTVT ủy quyền cả 3 nhiệm vụ này cho sở GTVT triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, đa số các địa phương chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý kết cấu hạ tầng, công tác bảo trì.
Đối với nhiệm vụ quản lý cảng, bến, chỉ duy nhất Đà Nẵng triển khai thực hiện từ đầu đến nay; Quảng Nam hiện đã đề nghị kết thúc ủy quyền. Với nhiệm vụ thanh, kiểm tra, hầu hết các địa phương vẫn thực hiện, nhưng chủ yếu do lực lượng thanh, kiểm tra lĩnh vực đường bộ kết hợp thực hiện.
Quá trình kiểm tra của Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng như qua trao đổi trực tiếp, trên 90% cán bộ quản lý không trả lời được 50% bộ câu hỏi tối thiểu có liên quan đến công tác vận tải, ATGT, môi trường…
Thực trạng này dẫn đến công tác quản lý nhà nước trên các tuyến ĐTNĐ thiếu sự đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT ĐTNĐ và bảo vệ môi trường chưa được nghiêm túc. Các thủ tục giải quyết phương tiện ra, vào cảng, bến chưa được thực hiện, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất lớn.
Lập cảng vụ chuyên ngành khu vực miền Trung
Theo ông Đạo, sau khi Bộ GTVT kết thúc ủy quyền tại Thanh Hóa, Nghệ An, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã giao Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I triển khai tổ chức lực lượng thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Đối với Quảng Nam, quyết định kết thúc ủy quyền của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Để tiếp nhận nhiệm vụ, hiện Cục đang xây dựng phương án, điều động tạm thời cán bộ, nhân viên Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II vào thành lập tổ cảng vụ.
Đồng thời, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã xây dựng và trình Bộ GTVT đề án thành lập Cảng vụ ĐTNĐ khu vực V trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam để thống nhất quản lý nhà nước chuyên ngành ĐTNĐ tại các tỉnh miền Trung. Đây cũng là phương án sắp xếp tổ chức bộ máy đã được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2019.
Theo đề án, phạm vi quản lý của Cảng vụ ĐTNĐ khu vực V bao gồm các cảng, bến (trừ bến khách ngang sông), khu neo đậu được công bố, cấp phép hoạt động trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.
Đối tượng quản lý của Cảng vụ ĐTNĐ khu vực V bao gồm các tổ chức, cá nhân có liên quan và các phương tiện tham gia hoạt động vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa, hành khách, trang thiết bị trong khu vực cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý.
“Để triển khai đề án khi được phê duyệt, Cục tích cực chuẩn bị về nhân lực, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc. Cục sẽ nỗ lực giải quyết các khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Đạo nói.
Khu vực miền Trung từ Thanh Hóa tới Quảng Nam có trên 5.000km đường sông có khả năng khai thác vận tải, trong đó có 27 tuyến sông, với tổng chiều dài 1.167,5km, 7 cảng, 234 bến thủy nội địa, 66 bến khách ngang sông đã được công bố hoạt động. Số lượng phương tiện dự kiến khoảng 10.000 phương tiện và 2,7 triệu tấn hàng hóa luân chuyển.