Kêu gọi hơn 48 ngàn tỷ đồng đầu tư vào cảng Liên Chiểu

Theo tờ trình Đà Nẵng vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, thì Dự án cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) có chi phí tính toán sơ bộ khoảng 48.304 tỷ đồng. Cụ thể, sẽ kêu gọi đầu tư 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750 m cho tàu từ 50.000 - 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550m cho tàu từ 50.000 - 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng.

Đà Nẵng vừa có tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) theo phương án tổng thể một lần theo qui hoạch có phân kỳ giai đoạn.

Đà Nẵng vừa có tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) theo phương án tổng thể một lần theo qui hoạch có phân kỳ giai đoạn.

Được biết, trước đây, trong phần kêu gọi đầu tư, Đà Nẵng từng đề xuất 2 phương án. Phương án 1 triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư 2 bến khởi động trong giai đoạn I với tổng chiều dài cầu cảng 750 m; các bến tiếp theo sẽ được triển khai sau. Phương án 2 thực hiện kêu gọi đầu tư một lần cho toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu gồm 8 bến container; 6 bến tổng hợp cho giai đoạn đến năm 2050 (trong đó phân kỳ đầu tư đến năm 2030 là 2 bến container) với tổng diện tích 450 ha; lượng hàng thông qua đạt khoảng 50 triệu tấn.

Trong tờ trình này, Đà Nẵng đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) theo hướng tổng thể một lần theo qui hoạch (phương án 2). Theo UBND TP.Đà Nẵng, nếu chọn phương án 1 sẽ có nhiều nhà đầu tư đáp ứng năng lực tài chính, có thể triển khai kịp tiến độ đưa vào khai thác vào năm 2025 cùng với phần đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung (đầu tư ngân sách). Mặc dù vậy, phương án này sẽ có hạn chế là không tìm được nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính đầu tư tổng thể toàn bộ khu bến, dẫn tới việc khai thác thiếu đồng bộ. Trong khi đó, nếu chọn phương án 2 sẽ có cơ hội thu hút được nhà đầu tư lớn, tiềm lực, đầu tư đồng bộ khu bến cảng và khu hậu cần sau cảng, nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, mặt nước, khu vực biển. Hơn nữa, theo phương án 2, hiện cũng có một số nhà đầu tư lớn quan tâm như liên danh BRG – Sumitomo. Hoặc, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (đơn vị nắm 75% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng) đã ký thỏa thuận hợp tác với Adani để có thể hình thành liên danh tham gia đầu tư bến cảng Liên Chiểu khi Thủ tướng thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư.

Dự án cảng Liên Chiểu gồm 2 thành phần, phần cơ sở hạ tầng dùng chung và phần kêu gọi đầu tư. Trong đó, phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đã tổ chức khởi công từ tháng 9-2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/keu-goi-hon-48-ngan-ty-dong-dau-tu-vao-cang-lien-chieu-post291058.html