Khả năng chống chịu của kinh tế Israel tới đâu giữa chiến sự?

Trải qua các cuộc xung đột tốn kém, kinh tế Israel đang chứng tỏ sức bền hiếm có kể từ khi chiến sự bùng bổ ở Gaza cho đến nay. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá không một nền kinh tế nào có thể trụ vững mãi trước các cuộc chiến tiêu hao kéo dài...

Trong bối cảnh xung đột với Iran leo thang, các chỉ số kinh tế của Israel đã gây ngạc nhiên khi thị trường chứng khoản vẫn lập đỉnh và GDP chưa suy giảm. Chỉ số chứng khoán Tel Aviv 125 tăng gần 8% trong tháng 6, lạm phát hạ nhiệt về mức 3,1% trong tháng 5, GDP năm 2024 ước tính vượt 540 tỷ USD. Nhưng liệu “phép màu” của nền kinh tế công nghệ cao như Israel sẽ tồn tại được bao lâu trong bối cảnh Israel đang cùng lúc phải dàn trải nguồn lực trên 3 mặt trận là Gaza, Lebanon và Iran?

 Căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang khiến không phận Trung Đông đóng cửa hoàn toàn làm ảnh hưởng tới nền kinh tế các nước trong khu vực. Ảnh: The Times of Israel

Căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang khiến không phận Trung Đông đóng cửa hoàn toàn làm ảnh hưởng tới nền kinh tế các nước trong khu vực. Ảnh: The Times of Israel

Phải thừa nhận rằng, với một nền kinh tế định hướng đổi mới sáng tạo, có ngành công nghệ cao chiếm tới 20% GDP và 64% xuất khẩu, Israel sở hữu một cấu trúc kinh tế linh hoạt và hiệu quả hiếm thấy. Ngành công nghệ hiện sử dụng 12% lực lượng lao động và đóng góp tới 25% tổng thuế thu nhập, là “lá chắn mềm” giúp nền kinh tế duy trì sinh khí giữa khói lửa chiến tranh. Ngân hàng Trung ương Israel nhiều lần nhấn mạnh “có đủ công cụ hỗ trợ nền kinh tế”, đồng thời vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức 4,5% nhằm ổn định thị trường và kiểm soát lạm phát.

Nhưng dù thế nào, bức tranh kinh tế sáng sủa này đang dần bị phủ bóng bởi chi phí chiến tranh không lồ. Chỉ tính riêng năm 2024, chi tiêu quốc phòng của Israel đã tăng 65%, lên 46,5 tỷ USD- tương đương 8,8% GDP, mức cao thứ hai toàn cầu sau Ukraine. Dự toán ngân sách năm 2025 cũng tăng mạnh, trong đó riêng quốc phòng chiếm tới 38,6 tỷ USD. Theo Ngân hàng Trung ương Israel, chi phí chiến sự có thể đạt 66 tỷ USD đến 67 tỷ USD (tương đương 12% GDP), bao gồm cả chi phí dân sự như nhà ở cho người sơ tán, trợ cấp an sinh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Hệ quả là thâm hụt ngân sách tăng vọt, lên tới 7,8% GDP, buộc Israel phải tăng thuế VAT, thuế y tế và bảo hiểm xã hội. Động thái có thể làm giảm tiêu dùng nội địa và gây áp lực lên người dân, đặc biệt trong bối cảnh hàng nghìn quân dự bị phải rời bỏ công việc, hàng chục nghìn người sơ tán, thị trường lao động rối loạn.

Trên DW, Giáo sư kinh tế Itai Ater thuộc Trường Quản trị Coller, Đại học Tel Aviv cho biết chi phí quân sự trên cả hai mặt trận phòng thủ và tấn công "rất cao", gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới ngân sách, thâm hụt, GDP và nợ công của Israel. Theo ông, trong 20 tháng qua, nhiều người Israel phải tham gia nghĩa vụ quân sự dự bị trong hàng trăm ngày. Hàng nghìn người bị sơ tán khỏi khu vực biên giới, gây gián đoạn lớn trong sinh hoạt. Hệ thống an sinh xã hội chịu áp lực mạnh. Ông Ater cho biết sau cuộc tấn công của Iran vào Israel ngày 14-6, nhiều người đã phải ngừng làm việc trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, công nghệ và giáo dục. Các chuyến bay thương mại đi và đến Israel bị đình trệ. Các hãng hàng không cũng sơ tán máy bay khỏi đây. Không phận nhiều nơi ở Trung Đông bị đóng cửa.

Trong khi đó, động lực phục hồi kinh tế là ngành công nghệ cao cũng trải qua những thử thách không chỉ bởi chiến sự mà do thuế tăng và bất ổn chính trị kéo dài. Trong đó, nguy cơ “chảy máu chất xám” ở ngành trụ cột này là khó tránh khỏi. Nhiều công ty khởi nghiệp của Israel hiện đăng ký trụ sở ở nước ngoài, bất chấp ưu đãi thuế nếu hoạt động trong nước. Đây là tín hiệu đáng lo ngại với một quốc gia vốn đặt trọng tâm tăng trưởng vào đổi mới sáng tạo như Israel.

Bà Karnit Flug-cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel cho rằng, chỉ cần vài nghìn người rời đi là đủ gây tác động lớn, bởi công nghệ phụ thuộc vào số ít nhân tài sáng tạo và có tinh thần khởi nghiệp nhất.

Giới chuyên gia cho rằng khả năng chống chịu hiện tại của Israel phần lớn được đến từ cơ chế tài chính-công nghệ đã vận hành ổn định từ trước chiến sự. Nhưng nếu xung đột không chấm dứt trong năm 2025, các nền tảng này có nguy cơ bị bào mòn nhanh chóng.

Ngân hàng Trung ương Israel dự báo xung đột có thể sẽ kéo dài, khiến tài chính và kinh tế nước này tổn thất lớn. Cơ quan này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm nay xuống 0,5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ mức tăng trưởng dự báo từ 3,4% xuống còn 1 đến 1,9%. Theo các nhà phân tích, kịch bản chiến sự kéo dài hoặc mở rộng sang quy mô khu vực sẽ khiến nền kinh tế Israel không thể tiếp tục duy trì đà phục hồi như hiện tại.

Như vậy có thể thấy mô hình phục hồi linh hoạt giữa khủng hoảng của kinh tế Israel đang trở nên rất mong manh trong bối cảnh chiến tranh kéo dài. Tính bền vững của mô hình kinh tế công nghệ cao trong một môi trường an ninh bất định sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức nếu tiếp tục luẩn quẩn trong vòng xoáy của bạo lực mà không tìm được giải pháp chính trị lâu dài.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/kha-nang-chong-chiu-cua-kinh-te-israel-toi-dau-giua-chien-su-834314