Khác biệt lợi ích

Cuộc hội đàm trực tuyến được chờ đợi giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden hôm 7/12 kéo dài chỉ trong 2 tiếng đồng hồ.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Hai bên đã đề cập nhiều vấn đề nóng, trong đó tập trung vào chủ đề Ukraina. Hai bên đều cố gắng tránh tình hình Ukraina leo thang nhưng xung đột có lẽ vẫn dai dẳng do sự khác biệt lợi ích.

Hội đàm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ xuống mức xấu nhất trong 3 thập kỷ qua và Nga tập trung hàng nghìn quân ở biên giới với Ukraina. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau trực tiếp hồi tháng Sáu vừa qua, và đó là cuộc gặp trực tiếp duy nhất từ khi ông Biden lên nắm quyền. Cuộc gặp đó được coi là bước đột phá đầy tiềm năng, nhưng từ đó tới nay những tiến triển của cuộc gặp không được hiện thực hóa.

Trong hội đàm lần này, ông Biden cảnh báo rằng Mỹ và đồng minh “quan ngại sâu sắc” rằng Nga đưa quân tới biên giới để “xâm lược” Ukraina. Ông nói, phương Tây sẽ có biện pháp trừng phạt mạnh mẽ về kinh tế và nhiều biện pháp khác với Nga nếu Ukraina bị “xâm lược”.

Sau cuộc gặp, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Biden đã “nhìn vào mắt ông Putin và nói rằng những gì chúng tôi không làm năm 2014 thì giờ đây chúng tôi chuẩn bị làm”. Điều này hàm ý rằng những biện pháp sắp tới sẽ là cú đấm còn mạnh hơn sau lệnh trừng phạt năm 2014 khi Nga giành quyền kiểm soát Crưm.

Ngoài ra, ông Biden nói rằng phương Tây sẽ cung cấp thêm vũ khí phòng thủ cho Ukraina và sẽ củng cố đồng minh NATO ở sườn phía Tây để đối phó lại việc leo thang từ phía Nga.

Đáp lại, ông Putin nói rằng chính NATO “đang có những nỗ lực nguy hiểm nhằm chinh phục lãnh thổ Ukraina” và “tập trung tiềm năng quân sự” tại biên giới Nga. Ông cũng lên án chính phủ Ukraina có chính sách “hủy hoại” thỏa thuận hòa bình ở miền Đông nước này.

Tổng thống Putin đã yêu cầu Tổng thống Mỹ bảo đảm rằng, NATO sẽ không mở rộng về phía Đông hoặc triển khai vũ khí tấn công sang các nước giáp Nga như Ukraina.

Tuy đều dùng ngôn từ mạnh để thể hiện “lằn ranh đỏ” của mỗi bên, song theo ông Sullivan, hai bên cũng thảo luận việc giảm leo thang căng thẳng và các biện pháp ngoại giao. “Chúng tôi đã cố gắng làm điều đó vào cao điểm Chiến tranh Lạnh và đã phát triển những cơ chế giúp giảm bất ổn và tăng minh bạch” - Cố vấn Sullivan cho biết.

Nhà Trắng cho biết, sau hội đàm, Tổng thống Mỹ đã liên lạc với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng như lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Italia về những nội dung đã bàn thảo với Tổng thống Nga. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng trong các biện pháp mà Mỹ đang chuẩn bị, sẽ có cả việc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Đức bị đình hoãn nếu Nga tấn công Ukraina.

Nỗ lực ngoại giao video lần này ít nhất cho thấy, hai bên đều mong muốn làm hạ nhiệt vấn đề Ukraina. Giáo sư Marcus Holmes của Trường William & Mary cho rằng, cả Mỹ và Nga đều nhận thức được một cuộc khủng hoảng đang hình thành hoặc thậm chí đã hình thành.

Tháng Tư vừa qua, Nga cũng đưa quân đến biên giới, khiến hai nhà lãnh đạo có cuộc điện đàm đầu tiên. Lực lượng quân đội sau đó được giải tán, nhưng xung đột ở miền Đông Ukraina không suy giảm.

Hai nhà lãnh đạo không lạ gì nhau trong thập kỷ qua và đều là những nhà ngoại giao lão luyện, tuy nhiên sự quen thuộc đó không có nghĩa là có thể tránh xung khắc dễ dàng. Theo giới phân tích, hành xử của hai bên ít thay đổi không phải do thiếu giao thiệp, mà là do xung đột lợi ích.

Bà Orysia Lutsevych thuộc tổ chức tư vấn Chatham House của Anh nói rằng, quan hệ hai bên “dễ bùng cháy” vì mục tiêu của mỗi bên không tương thích với nhau và theo bà thì “không thấy Mỹ có thể thỏa hiệp thế nào với Nga để cứu vãn thể diện với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu mà không phản bội các cam kết dân chủ ở Ukraina”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/khac-biet-loi-ich-WFLZFJh7g.html