Khắc họa khát vọng hòa bình và hồi sinh vùng đất vĩ tuyến 17

Những bức tranh được hai họa sĩ cùng vẽ về con người, vùng đất giới tuyến nhưng cách nhau hơn nửa thế kỷ như bản song tấu kể lại câu chuyện chuyển mình nơi 'tọa độ lửa'. Nét vẽ mộc mạc, chân thực khiến người xem có thể cảm nhận được con người Quảng Trị ở bất cứ thời điểm, khoảnh khắc nào cũng mang tinh thần, khát vọng về hòa bình.

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng giới thiệu với người xem về những bức tranh trong Triển lãm “Hồi sinh”. Ảnh: Trúc Hà

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng giới thiệu với người xem về những bức tranh trong Triển lãm “Hồi sinh”. Ảnh: Trúc Hà

Triển lãm ảnh mang tên “Hồi sinh” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị là một trong những hoạt động chính của Lễ hội Vì hòa bình đang diễn ra tại tỉnh Quảng Trị. Triển lãm bao gồm những bức họa của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm và họa sĩ trẻ Đinh Quang Hải vẽ về một thời hoa lửa và quãng thời “hồi sinh” của vùng đất vĩ tuyến 17. Với ý tưởng ấy, triển lãm lần này chính là sự kết nối của quá khứ với hiện tại và thể hiện khát vọng về cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Người xem càng cảm nhận sâu sắc về thông điệp truyền tải của mỗi bức tranh khi biết về sự ra đời của tác phẩm cũng như con đường đến với nghệ thuật của tác giả.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm sinh năm 1932, tại Hải Phòng, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Từ năm 14 tuổi, chàng thiếu niên này đã tham gia khóa học Mỹ thuật kháng chiến do Hội Văn nghệ Chiến khu 3 tổ chức tại Hà Đông (Hà Nội ngày nay). Năm 1948, họa sĩ Phạm Thanh Tâm là cán bộ vẽ minh họa cho Sở Thông tin ở Hưng Yên và cho đến năm 1950 thì tham gia vào lực lượng chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Năm 1967, ông đồng hành cùng đoàn làm phim "Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân" để ký họa tại trận địa Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Với bạn đồng hành là giấy bút, khi một bên là tiếng gầm rú của máy bay, một bên là tiếng nổ của đạn bom, cố họa sĩ đã miệt mài ký họa ngay trên trận địa, trong các hầm hào để ghi lại cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ và của bà con vùng đất lửa Vĩnh Linh. Những kiến thức từ khóa học Mỹ thuật kháng chiến và trang bị cho bản thân những kỹ năng như một người lính đã giúp cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm tác nghiệp ở mặt trận ác liệt nhất. Và ngày hôm nay, tất cả những tác phẩm ấy đã được trưng bày để mọi người có thể cảm nhận sự khốc liệt một thời bom đạn, những con người đã từng có mặt trong thời khắc lịch sử đó.

Và 60 năm sau, họa sĩ Đinh Quang Hải đã nối nhịp với cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm tại vùng đất vĩ tuyến 17. Họa sĩ Đinh Quang Hải sinh năm 1977 và lớn lên tại phố Hàng Tre (thành phố Hà Nội), nơi có các góc phố cổ mà ngày ấy, cụ Bùi Xuân Phái hay Lê Cửu vẫn hay trực họa. Tốt nghiệp Khoa Sơn mài, Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 2001, nhưng đến năm 2016, anh mới quay lại với nghiệp vẽ và gần như đã tìm thấy một phiên bản thăng hoa hơn của các tác phẩm thông qua màu nước. Đây cũng là lúc anh nhận lời mời tham gia Dự án Vẽ - Đi - Tre tại những nơi mà cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã đi qua, nhằm ghi lại những cảm nhận về phong cảnh và nếp sinh hoạt của người dân các vùng miền qua con mắt đương thời. Lúc này đây, chiến tranh lùi xa, vùng đất vĩ tuyến từng ngày thay da đổi thịt. Những khoảng xanh che lấp những vết tích chiến tranh. Anh vẫn chọn cách "ghi hình chậm" là dùng giấy và màu nước - chất liệu mà cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã dùng để ghi lại những hình ảnh thời sự tại chiến trường..

Họa sĩ Đinh Quang Hải cho biết: “Tôi sinh ra trong hòa bình, hưởng thành quả của cha ông và rất may mắn được chọn làm mảnh ghép hòa bình. Với tôi, tiếng nói của hội họa góp phần mang tiếng nói về khát khao, hy vọng, mong ước xây dựng cuộc sống mới sau chiến tranh. Tôi dành nhiều thời gian sinh sống, làm việc ở Quảng Trị. Những gì tôi yêu mến, cảm nhận từ hòa bình, đổi mới được gửi gắm qua các nét vẽ".

Để có được triển lãm vô cùng ý nghĩa này, một phần không nhỏ thuộc về bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, Giám đốc phòng tranh Lotus (được ra mắt năm 1991 và là một trong những phòng tranh tư nhân đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ). Năm 1945, vào tuổi 16, cô gái trẻ Xuân Phượng rời gia đình để tham gia phong trào kháng chiến cứu nước. Trong 30 năm ở mặt trận, nữ chiến sĩ Xuân Phượng đã làm nhiều công việc khác nhau như làm báo, làm bom mìn, làm thông dịch tiếng Pháp, làm phóng viên chiến trường, làm bác sĩ và công việc sau cùng là đạo diễn phim tài liệu.

Cơ duyên cho sự chuyển ngành này, từ công việc ổn định của một bác sĩ để trở thành một phóng viên chiến trường, chính là cuộc gặp gỡ vợ chồng nhà điện ảnh cách mạng người Hà Lan Joris Ivens dưới sự giới thiệu trực tiếp của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch vào năm 1967, mở đầu hành trình làm phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân”. Trong thời gian cùng đoàn làm phim, bà cùng cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm luôn sát cánh, rong ruổi khắp các vùng bom đạn tại Quảng Trị để ghi lại những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến, người bằng máy quay, người bằng bút mực. Ở bối cảnh khốc liệt đó, bà nhận ra nhiệt huyết và tâm tư của ông trong từng nét vẽ, để rồi khi thời bình trở lại, niềm trăn trở của bà về bộ tranh của ông đã khiến bà quyết tâm thực hiện Triển lãm ảnh “Hồi sinh".

Chỉ diễn ra trong 4 ngày, nhưng triển lãm đã thu hút hàng nghìn du khách và người dân địa phương. Những bức tranh với chất liệu đơn giản, hình ảnh mộc mạc, đời thường nhưng đủ sức “đánh thức” trong mỗi người những xúc cảm mạnh mẽ. Với thế hệ đi trước, nó gợi nhớ về những ký ức đau thương của một thời bom đạn, những điều đã xảy ra trong quá khứ, để nhận ra rằng, "vùng đất lửa" nay đã hồi sinh mạnh mẽ như chính tinh thần chiến đấu ngoan cường ngày ấy. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ được hiểu hơn về cuộc sống của người dân thời chiến, để có cái nhìn thấu cảm và biết ơn sự hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ cha ông đã nằm xuống vì hòa bình hôm nay và mai sau.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khac-hoa-khat-vong-hoa-binh-va-hoi-sinh-vung-dat-vi-tuyen-17-post478285.html