Khắc khoải di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ

Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 chậm triển khai khiến di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đứng trước nguy cơ hư hại, hoang hóa sau khi được phát lộ.

Di chỉ khảo cổ Phong Lệ đã từng được nhắc đến trong các tài liệu của phương Tây đầu thế kỷ XX. Tiếp đó, sau 3 đợt khai quật từ năm 2011 đến 2018, nhiều dấu vết của kiến trúc Chăm đã xuất lộ, nhiều hiện vật giá trị của văn hóa Chăm được khai quật, phát lộ khá rõ ràng, chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của một tòa tháp Chăm lớn. Đặc biệt, Chăm Phong Lệ có "hố thiêng" mang bố cục hoàn toàn khác với các di tích đã biết trước đó. Kết quả khảo cổ cũng cho thấy tại đây có dấu tích của ít nhất 3 ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XI.

Do vậy, cuối năm 2020, UBND TP Đà Nẵng công nhận Phong Lệ là di tích cấp thành phố. Đây cũng là di tích khảo cổ đầu tiên được Đà Nẵng công nhận là di tích cấp thành phố. Từ đó, ngành Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị Phong Lệ, đặc biệt là Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 nhằm tạo không gian riêng cho các hiện vật được phát hiện tại di tích, hoàn chỉnh kiến trúc, cảnh quan, tạo môi trường gìn giữ những giá trị cốt lõi của văn hóa Chăm nói riêng và các dân tộc Việt nói chung; hình thành điểm đến du lịch văn hóa trên tuyến đường sông nối với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ vào thời điểm hoàn thành khai quật. (Ảnh ghi nhận năm 2018)

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ vào thời điểm hoàn thành khai quật. (Ảnh ghi nhận năm 2018)

Tuy nhiên, sau gần 2 năm, Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 vẫn chưa được triển khai. Mọi hạng mục vẫn "đứng bánh" như thời điểm hoàn thành khai quật. Chỉ riêng miệng của "hố thiêng" được lợp tôn để che nắng mưa. Bên cạnh mái tôn là nhiều que củi được người dân vắt ngổn ngang. Nhiều lớp kiến trúc bị cỏ dại che phủ, mưa lũ vùi lấp khiến người dân xung quanh không khỏi xót xa.

"Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, ai cũng lo nước cuốn trôi, làm hư hỏng di tích khảo cổ. May mắn Chăm Phong Lệ vẫn đứng vững trước thiên tai. Nhưng ai cũng mong dự án sớm hoàn thành, vì di tích đã phát lộ, nguy cơ hư hại do nhân tai, thiên tai vẫn luôn thường trực" - ông Lê Kim Chúng (người dân sống cạnh di tích) mong mỏi.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, cho hay Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 được giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư, kiêm quản lý dự án. Sở VH-TT có trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện dự án, trước mắt là điều chỉnh nội dung Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ, trình UBND TP Đà Nẵng chờ phê duyệt. Ông Hà cho biết thêm sau khi điều chỉnh này được UBND thành phố phê duyệt, các đơn vị liên quan sẽ có hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nguồn vốn và cân đối vốn phù hợp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng thẩm định, trình UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định, sau đó mới có thể triển khai.

Do vậy, trong khi Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 vẫn còn đang chờ đợi phê duyệt điều chỉnh, người dân và chính quyền địa phương vẫn đang cố gắng gìn giữ di tích. Một lãnh đạo UBND phường Hòa Thọ Đông cho hay địa phương đã thành lập ban bảo vệ di tích để thường xuyên kiểm tra, báo cáo với quận Cẩm Lệ và Bảo tàng Đà Nẵng các vấn đề phát sinh nếu có.

"Tuy nhiên, triển khai sớm dự án vẫn là mong mỏi của chính quyền cũng như người dân địa phương để bảo vệ, phát huy giá trị của Chăm Phong Lệ một cách bền vững, lâu dài" - vị này cho hay.

Bài và ảnh: Hải Định

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/khac-khoai-di-chi-khao-co-cham-phong-le-2022110820310311.htm