Khắc nhớ 'Nhật ký Bolaven'

Có một vệt bài báo không chỉ theo chân chúng tôi trong suốt những năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Nam Lào, mà còn lắng đọng trong tâm trí những cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam nhiều năm sau này. Đó là 'Nhật ký Bolaven' của hai phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) là Nguyễn Trần Thiết và Trần Ngọc, được đăng 6 ngày liên tục (từ 7-6 đến 12-6-1971, trên trang 2, Báo QĐND).

Sau thắng lợi của Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (tháng 3-1971), bẻ gãy cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ-ngụy, cấp trên lệnh cho Bộ tư lệnh Mặt trận “Y” (mật danh của chiến dịch giải phóng cao nguyên Bolaven) tổ chức tiến công giải phóng Pakse, một vị trí hiểm yếu trên cao nguyên chiến lược Bolaven. Tiểu đoàn 84 phòng không mới tái lập của chúng tôi được giao nhiệm vụ phối thuộc cùng các đơn vị bạn tham gia chiến dịch. Ngày 14-5-1971, chiến dịch mở màn và sau nửa tháng đoàn kết hiệp đồng chiến đấu với quân dân Nam Lào, ngày 29-5-1971, ta mở đợt công kích quyết định vào thủ phủ Pakse.

Cả ngày hôm đó, Đại đội 32 chúng tôi trong đội hình Tiểu đoàn 84 chiến đấu nhiều trận với máy bay địch, bảo vệ an toàn đội hình tiến công của bộ binh và đã bắn rơi một máy bay trinh sát L19 của chúng. Đây cũng là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi trong chiến công bắn rơi 37 máy bay Mỹ của Tiểu đoàn 84 trong thời gian từ tháng 5-1971 đến ngày 22-2-1973 trên không phận Nam Lào. Chiến dịch kết thúc thắng lợi. Mặt trận “Y” cùng với quân dân Nam Lào đã làm chủ cao nguyên Bolaven, hoàn thành nhiệm vụ ở phía Nam Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, góp phần đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ-ngụy. Tin chiến thắng ở Pakse nhanh chóng lan đi khắp nơi, nhân dân Nam Lào hân hoan phấn khởi, vùng giải phóng được mở rộng, căn cứ kháng chiến Nam Lào được củng cố vững chắc hơn.

Hòa trong niềm vui chiến thắng, qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi được nghe thiên phóng sự “Nhật ký Bolaven”. Khỏi phải nói, chúng tôi vui mừng phấn khởi đến nhường nào. Ở cách Hà Nội gần 1.000km, nhưng vẫn được nghe chiến công của đơn vị mình. Cuối năm 1971, từ Binh Trạm 27 ở Đông Trường Sơn, đơn vị chúng tôi “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, trở lại địa bàn quen thuộc 4 tỉnh Nam Lào, vùng căn cứ cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến của nước bạn mà trong “Nhật ký Bolaven” phóng viên Báo QĐND đã đề cập đến trong phần 4.

50 năm trôi qua, cùng với bao kỷ niệm khác trên đường đời, nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống, nhưng trong ký ức chúng tôi vẫn vẹn nguyên những năm tháng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước Việt Nam-Lào. Giờ đây, hai phóng viên chiến trường của Báo QĐND ngày đó, là ông Trần Ngọc (tác giả bài thơ “Chú đi tuần” từng quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh dưới mái trường miền Bắc XHCN) đã mất, ông Nguyễn Trần Thiết cũng đã ở tuổi "cửu thập", nhưng những phóng sự chiến tranh tiêu biểu, trong đó có “Nhật ký Bolaven” vẫn ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc.

LÊ AN KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/khac-nho-nhat-ky-bolaven-663459