Khắc phục bất cập khi gửi hàng hóa qua xe khách

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua xe khách ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý giao nhận hàng hóa trên các phương tiện vận tải khách thời gian qua vẫn còn lỏng lẻo. Nhằm kiểm soát hoạt động này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2022.

 Gửi hàng hóa theo xe khách ngày càng trở nên phổ biến - Ảnh: M.L

Gửi hàng hóa theo xe khách ngày càng trở nên phổ biến - Ảnh: M.L

Những năm gần đây, dịch vụ gửi hàng hóa bằng xe khách ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, sau thời gian ảnh hưởng COVID-19 khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do lượng khách sụt giảm mạnh nên các nhà xe càng ưu tiên chở hàng để bù đắp một phần chi phí.

Chị Lê Thị Tú, TP. Đông Hà chia sẻ: “Ưu điểm của gửi hàng theo xe khách là thủ tục nhanh gọn, thời gian vận chuyển nhanh, chi phí thấp hơn so với các dịch vụ chuyển phát hàng hóa của các công ty bưu chính.

Gia đình tôi có anh, chị ruột đều ở miền Nam nên thỉnh thoảng có các mặt hàng tươi sống, tôi cấp đông, trữ vào thùng xốp rồi ghi số điện thoại người nhận lên trên thùng mang đến gửi nhà xe là ngày hôm sau anh, chị đã có thực phẩm quê để chế biến rồi, rất tiện lợi”.

Tuy nhiên, cũng chính từ sự tiện lợi này đã nảy sinh nhiều hệ lụy khó lường. Thực tế, hàng hóa khách hàng đưa đến thường được chuyển thẳng vào thùng xe rồi vận chuyển đi chứ ít khi được kiểm tra.

Việc ký gửi hàng hóa chủ yếu dựa vào uy tín của nhà xe và thỏa thuận miệng giữa đôi bên mà không có bất kỳ ràng buộc về mặt thủ tục, hóa đơn, chứng từ pháp lý nào. Thời gian qua có nhiều trường hợp gửi hàng qua xe khách bị thất lạc hoặc hư hỏng nhưng không được bồi thường bởi không có căn cứ để chứng minh.

Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng để mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng dễ cháy nổ, thậm chí là hàng cấm… Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy xe thời gian vừa qua.

Thực tế này làm giảm chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách, cũng như khó kiểm soát vấn đề tải trọng xe khi khối lượng hàng hóa được gửi ngày càng tăng. Không chỉ nhà xe mà cơ quan chức năng cũng cho rằng, việc kiểm soát hàng hóa vận chuyển trên xe khách hiện rất khó khăn, trừ khi có nghi vấn chở hàng cấm mới phối hợp với các lực lượng khác kiểm tra và xử lý.

Theo Nghị định 47/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác 5 thông tin gồm: tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Đối với cân nặng hàng hóa có thể yêu cầu hoặc không. Để đáp ứng nhu cầu của người dân muốn gửi hàng hóa nhưng không đi theo xe, hiện một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh thực hiện nhận hàng hóa trong giờ hành chính tại văn phòng đại diện đặt tại TP. Đông Hà, rồi tập kết tại một vị trí, đến giờ xuất phát, tài xế chủ động đưa xe đến bốc hàng lên.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng chủ động đến gửi hàng trước chứ không phải chờ đón dọc đường hay ở bến xe như trước. Nhờ có bộ phận nhận hàng trước nên việc lấy thông tin cá nhân của người gửi, người nhận cũng như hàng hóa đầy đủ hơn, khắc phục được những bất cập trước đây.

Cùng với việc chấp hành nghiêm quy định khi nhận hàng hóa ký gửi trên xe, các đơn vị kinh doanh vận tải cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao ý thức của người lao động như lái xe, nhân viên phục vụ xe chủ động nhắc nhở người gửi hàng cung cấp thông tin hàng hóa, thông tin cá nhân người gửi, người nhận một cách chính xác.

Với những trường hợp phát hiện chất cấm, vật liệu cháy nổ phải từ chối phục vụ, thông báo hoặc tố giác với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chở hàng hóa trên các phương tiện vận tải hành khách để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=169630&title=khac-phuc-bat-cap-khi-gui-hang-hoa-qua-xe-khach