Khắc phục bất cập sau giám sát
Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội về 'Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19' đã chỉ ra nhiều hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19” cho thấy: Thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ lãi suất và các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành. Cụ thể: kinh phí mua vaccine phòng Covid-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất, thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm 2.593 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm (trừ kit xét nghiệm) 5.291 tỷ đồng; khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 là 719 tỷ đồng; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế 89 tỷ đồng; xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến 403 tỷ đồng...
Tuy nhiên đoàn giám sát cũng chỉ rõ, việc ban hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời. Một số chính sách chưa đạt được kết quả như dự kiến. Có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách Nhà nước. Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh, còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra. Chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Qua giám sát, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát. Trong đó, xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm và công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phân bổ ngân sách và huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ trong tình trạng cấp bách gắn liền với các giải pháp phòng, chống tiêu cực.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được Quốc hội, UBTVQH ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid-19 nói riêng và trong quá trình phòng, chống Covid-19 nói chung. Rà soát tổng thể các văn bản có liên quan đến phòng, chống dịch đã ban hành theo Nghị quyết 30/2021/QH15 để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới; hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch, đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch; rà soát các văn bản hướng dẫn thực hiện trong lĩnh vực y tế, nhất là việc quản lý trang thiết bị y tế; ban hành quy định, có các biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng hóa là trang thiết bị y tế.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề, để thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn trong thời gian tới, đoàn giám sát cần giám sát sâu rộng hơn nữa ở các địa phương việc giải ngân các gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng như nguồn kinh phí từ công tác xã hội hóa. Việc làm này nhằm đảm bảo nguồn kinh phí được chi đúng đối tượng và theo đúng quy định của pháp luật cũng như đảm bảo những điều lệ mà Luật Ngân sách không cho phép thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, qua giám sát ở địa phương cho thấy, đã nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có nhiều vướng mắc khi thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 như các quy định về tài chính, trang thiết bị y tế. Đây là các quy định được xây dựng trong tình huống bình thường nên khi xảy ra tình huống khẩn cấp, cấp bách, chúng ta chưa thể kịp thời điều chỉnh. Do đó trong quá trình thực hiện các địa phương có sự lúng túng.
Bà Nga cho rằng, cần đánh giá xem việc thực hiện chính sách pháp luật đã được thực hiện, triển khai như thế nào? Khi ban hành chính sách pháp luật, các cấp, các ngành, các địa phương đã thực hiện như thế nào, có nghiêm túc hay không? Bởi trong quá trình thực hiện sẽ nảy sinh các vướng mắc, bất cập do các quy định của pháp luật không thể “bao chứa” được hết tất cả những sự việc nảy sinh trong đời sống, thậm chí các vấn đề mới chưa kịp điều chỉnh.
Theo dự kiến, kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19” sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến khai mạc ngày 22/5).
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khac-phuc-bat-cap-sau-giam-sat-5716927.html