Khắc phục bệnh xa quần chúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Đạo đức lớn nhất của người cán bộ cách mạng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Cho nên mọi biểu hiện xa dân, gây phiền hà, khó dễ cho dân đều là sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, xa quần chúng là một biểu hiện của suy thoái đạo đức. Bệnh xa quần chúng thể hiện ở lối làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà, khó dễ, quan liêu, tham ô, tham nhũng đục khoét của dân, các chủ trương, chính sách không phản ánh đúng lợi ích, thậm chí đi ngược lại quyền lợi của nhân dân. Cán bộ không đi sâu, đi sát vào thực tiễn, xa rời quần chúng, không lắng nghe ý kiến quần chúng.
Nguyên nhân của bệnh xa quần chúng là bệnh quan liêu, chủ nghĩa cá nhân. Cách làm việc xa rời quần chúng dẫn tới hậu quả là: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước là đúng nhưng khi tổ chức thực hiện lại sai vì áp dụng không phù hợp thực tiễn, chính sách không đến được với người dân, không làm cho dân tin, dân hiểu, dân làm theo, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Do đó Hồ Chí Minh yêu cầu “Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t5, tr 288).
Để sửa chữa căn bệnh xa quần chúng, Hồ Chí Minh cho rằng. Phải đặt lợi ích của quần chúng lên trên hết, trước hết. Phải gần dân, hiểu dân, học dân. Phải thật thà thực hành tự phê bình và phê bình, phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng, luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng “phải tin vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng; phải học hỏi quần chúng; phải đi đúng đường lối quần chúng để lãnh đạo quần chúng”.