Khắc phục hậu quả bão số 3: Tập trung xử lý các sự cố về đê điều

Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, song bão và hoàn lưu bão đã gây mưa lớn, lũ cao tại nhiều địa phương và nhiều thiệt hại khác.

Vị trí sạt lở thuộc thôn Trung Hà, xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) có xu hướng tiếp tục phát triển mở rộng tiến sát về phía chân đê hữu Hồng đe dọa tài sản, tính mạng của người dân. Ảnh tư liệu: Mạnh Khánh/TTXVN

Vị trí sạt lở thuộc thôn Trung Hà, xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) có xu hướng tiếp tục phát triển mở rộng tiến sát về phía chân đê hữu Hồng đe dọa tài sản, tính mạng của người dân. Ảnh tư liệu: Mạnh Khánh/TTXVN

Nhiều thiệt hại do bão và hoàn lưu bão

Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và phóng viên TTXVN từ các địa phương, từ ngày 22-23/7 (tính đến 10 giờ ngày 23/7) ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây ra 7 sự cố đê điều, bờ bao kênh cụ thể như nứt dọc mặt đê đoạn từ K25+630-K25+680 đê hữu Cầu (cấp III), xã Đa Phúc, Hà Nội, chiều dài 20m. Hiện địa phương đã lập chốt hạn chế người, cấm phương tiện đi qua.

Sự cố nứt dọc mặt đê đoạn từ K33+200-K33+800 đê hữu Hồng (cấp I), xã Phúc Lộc, Hà Nội, chiều dài 600m, đã xảy ra năm 2024, hiện có xu hướng phát triển, mở rộng thêm. Hiện địa phương đã rào chắn cấm các phương tiện di chuyển qua tuyến đê.

Sạt 2 đoạn mái phía đồng đê Tây sông Cùng đoạn từ K5+858-K5+905 và K5+958-K5+976 (đê cấp IV), xã Hoằng Châu, Thanh Hóa, tổng chiều dài 65m. Hiện địa phương đã tổ chức xử lý.

Sự cố lùng mang (tắc nghẽn) cống Vực Bưu đê hữu sông Nhơm (đê cấp IV), xã Tân Ninh, Thanh Hóa; cống bị tắc nghẽn, gây ra 2 hố tụt trên đỉnh cống và tụt sâu xuống mang cống. Hiện địa phương đã bịt cửa vào lùng mang bằng bao tải đất và xử lý lọc ngược tại vị trí hố tụt tường chắn đất hạ lưu cống.

Sạt mái phía sông đê kênh Tam Điệp (đê cấp IV), phường Quang Trung, tỉnh Thanh Hóa, dài 150m; địa phương đã xử lý giờ đầu, đóng cọc tre và đắp bao tải hộ chân.

Sạt mái đê bối Nam Quần Liêu dài 5m tại K1+850 (đê cấp V), xã Nghĩa Sơn, Ninh Bình; địa phương đã xử lý giờ đầu phủ bạt và đắp gia cố bằng bao tải đất.

Sự cố tràn bờ bao kênh Cù Là (nằm phía ngoài đê Tả Hồng Hà II), xã Hồng Vũ, tỉnh Hưng Yên với tổng chiều dài các vị trí tràn 80m.

Cùng với đó, bão số 3 và hoàn lưu bão đã làm 1 người mất tích do lũ cuốn, 1 người bị thương (Nghệ An); 420 nhà ở bị hư hỏng, tốc mái (Phú Thọ 8 nhà, Thanh Hóa 251 nhà, Nghệ An 161 nhà); 119.408 ha lúa bị ngập (Hưng Yên 26.000 ha; Ninh Bình 74.017 ha, Thanh Hóa 19.391 ha; các tỉnh khác đang thống kê). Hiện các tỉnh đang vận hành máy bơm tiêu nước, chống úng; 3.285 con gia súc gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Tại xã Thanh Yên (tỉnh Điện Biên), mưa lớn kéo dài khiến cầu treo Pa Xa Lào bất ngờ đứt cáp chính, làm sập mặt cầu, khiến 4 người bị thương, 1 ô tô và 1 xe máy rơi xuống suối. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 1 nhà bị sập hoàn toàn tại thôn Hồ, xã Hướng Phùng và 23 nhà dân bị tốc mái thuộc địa bàn xã La Lay, 100 m² diện tích lúa mới gieo và 100 m² ao nuôi cá nước ngọt tại thôn Cát, xã Hướng Phùng đã bị cuốn trôi. Một đoạn kè taluy âm dài khoảng 50m bảo vệ đường tại xã Thượng Trạch cũng bị sạt lở. Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão, thôn Trĩa và thôn Cát, xã Hướng Phùng đã bị mất điện hoàn toàn.

Ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Lượng mưa lớn liên tục đổ xuống trong thời gian dài đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn ngập sâu cục bộ. Tại tuyến Đại lộ Lê Lợi - trục giao thông huyết mạch của Phường Hạc Thành, nhiều đoạn nước mưa dâng cao từ 20 đến 40 cm, khiến hàng loạt phương tiện lưu thông khó khăn, nhiều phương tiện quay đầu tìm hướng khác. Tại tuyến đường Phan Chu Trinh, khu vực thường xuyên bị ngập, tuy nhiên nhiều người vẫn chủ quan đi qua dẫn đến phương tiện bị chết máy, phải nhờ sự trợ giúp của các xe cứu hộ.

Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão các địa phương đã tiến hành sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Các xã, phường như: xã Dũng Tiến, Nật Sơn, Mường Hoa, Mường Vang, Thanh Mai, Cao Phong (tỉnh Phú Thọ)… đã tiến hành sơ tán 230 hộ dân đang sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn,

Lực lượng chức năng phường Sa Pa đã tuyên truyền vận động, di dời khẩn cấp 28 gia đình với 139 nhân khẩu; 1 lán công nhân với 71 người và 10 khách du lịch nước ngoài về nơi an toàn. đồng thời tiến hành tổ chức kiểm tra, rà soát và phát hiện có khoảng 40 khu vực, điểm có nguy cơ sạt lở đất đá sụt lún, lũ quét, ngập lụt trên địa bàn. Chính quyền phường Sa Pa triển khai căng dây, cắm biển cảnh báo; hỗ trợ người dân các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản và kiên quyết sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Thành phố Hải Phòng đã di dời 4.994 người ở chung cư cũ trên địa bàn 10 phường; đối với các khu vực trũng thấp, địa phương đã được di dời 11.233 người đến nơi an toàn.

Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê những thiệt hại do bão và hoàn lưu bão số 3 gây ra.

Chỉ đạo xử lý sự cố đê, ứng phó lũ sông Cả

Riêng đối với sự cố lún, nứt mặt đê hữu Cầu, xã Đa Phúc và đê hữu Hồng, xã Phúc Lộc, thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc xử lý sự cố trên.

Theo đó, để đảm bảo an toàn chống lũ của các tuyến đê, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để xử lý khẩn cấp các sự cố nêu trên, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê (trong đó, đối với sự cố lún, nứt đê hữu Cầu, nghiên cứu thực hiện theo phương án đắp áp trúc mở rộng đê về phía đồng như Tổng cục Phòng, chống thiên tai (nay là Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) đã có ý kiến gửi thành phố tại văn bản số 67/PCTT QLĐĐ ngày 25/01/2019 nhưng đến nay chưa được triển khai thực hiện).

Lưu lượng nước về hồ Thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, thủy điện đã tiến hành xả lũ với lưu lượng 1.727m3/s. Ảnh: TTXVN phát

Lưu lượng nước về hồ Thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, thủy điện đã tiến hành xả lũ với lưu lượng 1.727m3/s. Ảnh: TTXVN phát

Chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến các sự cố và tình hình mưa lũ để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh (nếu có) ngay từ giờ đầu, không để các sự cố phát triển thêm. Rà soát, phê duyệt điều chỉnh phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu đê hữu Cầu đoạn từ K22+800 - K26+000 và đê hữu Hồng đoạn từ K32+000 - K35+000 theo hiện trạng thực tế sự cố đã xảy ra và triển khai phương án bảo vệ; trong đó, lưu ý chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để thực hiện.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 22-25/7/2025 trên sông Cả xuất hiện một đợt lũ với biên độ lớn, đỉnh lũ có khả năng lên trên mức báo động 3.

Đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 22/7/2025 chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và các Bộ ngành tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên sông Cả và đảm bảo an toàn thủy điện Bản Vẽ.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với lũ trên sông Cả.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 22/7 chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và các Bộ ngành tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên sông Cả và đảm bảo an toàn thủy điện Bản Vẽ.

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, chủ động ứng phó với lũ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 4596/BNNMT-ĐĐ ngày 20/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với bão số 3 và mưa lũ.

Chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục, các công trình đê điều đang thi công dở dang để đảm bảo an toàn; tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố, tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu; ẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để hộ đê; đồng thời, kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị và chủ động ứng phó với các sự cố, tình huống có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) để phối hợp chỉ đạo. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Chủ động trong chỉ đạo, ứng phó bão, mưa lũ

Đối với bão số 3, ngày 22/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão và mưa lũ tại tỉnh Thanh Hóa.

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công điện số 4679/CĐ-BNNMT gửi UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các Bộ về việc ứng phó khẩn cấp với mưa lũ; văn bản số 4681/BNNMT-ĐĐ gửi UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đề nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều; văn bản số 4680/BNNMT-ĐĐ gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị xử lý các sự cố lún, nứt mặt đê hữu Cầu, xã Đa Phúc và đê hữu Hồng, xã Phúc Lộc.

Sáng 23/7, Đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp phối hợp với tỉnh Nghệ An chỉ đạo ứng phó với mưa lũ và bảo đảm an toàn hồ chứa.

Đoàn công tác của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên phối hợp với tỉnh Ninh Bình ứng phó với bão.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có Thông báo số 604/TB-UBND ngày 22/7/2025 chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các sở ngành, UBND các xã triển khai phương án hạ du thủy điện bản vẽ; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 121/BCH-PCTT ngày 22/7 gửi Công ty thủy điện Bản Vẽ về lệnh vận hành giảm lũ cho hạ du.

Thiên tai trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu cứu nạn và Phòng thủ dân sự các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7, số 119/CĐ-TTg ngày 22/7 của Thủ tướng Chính phủ trong đó tập trung vào việc đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên sông Cả và đảm bảo an toàn thủy điện Bản Vẽ....

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu cứu nạn và Phòng thủ dân sự các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong ứng phó với mưa lũ, xử lý sự cố lún, nứt mặt đê hữu Cầu, xã Đa Phúc và đê hữu Hồng, xã Phúc Lộc...

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-tap-trung-xu-ly-cac-su-co-ve-dedieu-20250723114354633.htm