Khắc phục lỗ hổng pháp lý, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là hai luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý, bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp.

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia trao đổi tại họp báo - Ảnh: VGP/TG
Chiều 7/7, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp báo giới thiệu các nội dung cơ bản của 5 luật do Bộ chủ trì soạn thảo, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Tại họp báo, phóng viên Báo điện tử Chính phủ nêu câu hỏi: Vừa qua, nhiều vụ việc về sữa giả, thực phẩm giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc bị phát hiện, gây bức xúc trong dư luận. Vậy hai luật mới liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa vừa được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trả lời câu hỏi, ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia nhấn mạnh, việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một giải pháp căn cơ, nhằm tạo công cụ pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn sản phẩm, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính và giữ vững kỷ cương thị trường.
Việc Quốc hội thông qua hai luật sửa đổi, bổ sung (Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) là bước đi rất kịp thời và cần thiết. Hai đạo luật đã bổ sung nhiều quy định quan trọng, đột phá nhằm khắc phục các lỗ hổng pháp lý hiện nay.
"Chúng ta quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nguyên tắc là hàng hóa đó có phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn hay không", ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.
Chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro
Một trong những điểm đột phá trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro.
Theo đó, thay vì phân loại sản phẩm, hàng hóa được chuyển từ phân nhóm hành chính (nhóm 1, nhóm 2) chuyển sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo ba mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao).
"Trước đây, chúng ta quản lý theo phân loại hàng hóa nhóm 1, nhóm 2, dẫn đến thực tế có những sản phẩm rủi ro cao nhưng doanh nghiệp tự công bố. Đây là điều rất nguy hiểm", ông Hà Minh Hiệp cho hay.
Với luật mới, hàng hóa rủi ro cao chắc chắn phải bên thứ ba đánh giá, không thể để doanh nghiệp tự đánh giá. Với nhóm hàng hóa rủi ro trung bình đến thấp, doanh nghiệp có thể tự đánh giá và chịu trách nhiệm, doanh nghiệp có thể sử dụng kết quả chứng nhận của bên thứ ba hoặc tự thử nghiệm để đánh giá.
“Lần này chúng ta rạch ròi, các sản phẩm rủi ro cao bắt buộc phải quản lý rất chặt”, ông Hà Minh Hiệp nói.
Đồng thời, luật cũng bổ sung các công cụ phòng ngừa sớm như truy xuất nguồn gốc, hậu kiểm theo rủi ro, công khai thông tin hợp chuẩn/hợp quy. Những hàng hóa rủi ro cao thì bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc. Qua đó, tập trung kiểm tra sản phẩm rủi ro cao thay vì kiểm tra dàn trải như hiện nay.
Rạch ròi phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành
Cũng theo ông Hà Minh Hiệp, một vấn đề tồn tại lâu nay là tình trạng một sản phẩm bị nhiều Bộ cùng quản lý, chồng chéo, thiếu rõ ràng.
Do đó, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi lần này xác lập rõ cơ chế phân công, phân cấp quản lý, trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương, quy định rõ nguyên tắc: Mỗi sản phẩm chỉ do một bộ ngành quản lý. "Như vậy, Bộ nào quản lý thì chịu trách nhiệm đến cùng", ông Hà Minh Hiệp nói.
Cùng với đó Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật cũng quy định mỗi quy chuẩn chỉ có một bộ quản lý. Cơ chế phân công rõ ràng này giúp tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý cũng như thực thi pháp luật; tránh việc né tránh trách nhiệm khi xảy ra sai phạm.
Bên cạnh đó, hai luật mới cũng tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ công bố tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến thu hồi sản phẩm và bồi thường thiệt hại. Các hành vi gian lận chất lượng, quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt trên sàn thương mại điện tử, môi trường số, đều bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm.
Đồng thời xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương, hải quan, cảnh báo quốc tế và phản ánh từ người tiêu dùng. Cơ chế này sẽ cho phép phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và xử lý nhanh các trường hợp hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Tăng vai trò giám sát xã hội thông qua sự tham gia của tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng trong khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, kiến nghị và phối hợp kiểm tra.
Với những thay đổi mạnh mẽ, hai đạo luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng sản phẩm, hàng hóa không chỉ khắc phục các khoảng trống pháp lý mà còn tạo dựng một hệ sinh thái pháp luật hiện đại, minh bạch, hiệu quả, dựa trên nền tảng công nghệ số và hội nhập quốc tế.
Ông Hà Minh Hiệp cho biết thêm, mô hình quản lý rủi ro theo cấp độ thay cho phân nhóm như trước đây hiện đã được các quốc gia ASEAN áp dụng phổ biến. Việc Việt Nam tiếp cận cách làm này không chỉ nâng cao năng lực quản lý chất lượng mà còn tăng tính tương thích trong thương mại khu vực và toàn cầu.