Khắc phục ngập úng đô thị: Nguyên nhân và giải pháp

Hiện tượng ngập úng, nhất là ở các đô thị đang trở thành nỗi lo của người dân. Những năm gần đây, chúng ta ghi nhận hiện tượng này ở nhiều đô thị trên cả nước. Để hiểu rõ nguyên nhân và giải pháp, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng.

Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng.

Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng.

Gần đây, ngập úng đô thị diễn ra ở nhiều nơi như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng… Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?

- Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân khách quan: Do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thời tiết cực đoan, mưa lớn đột ngột, kéo dài, diễn ra ngày càng nhiều, lượng mưa vượt quá tần suất thiết kế hệ thống thoát nước đô thị gây ngập úng.

Ví dụ tại Hải Phòng vào đêm 08/6/2024 lượng mưa đo được 200 mm kết hợp với thủy triều cường đạt mực +3,8 - +4,2 m hình thành tổ hợp lũ sông + mưa + bão + triều làm hệ thống thoát nước của thành phố hoàn toàn tê liệt.

Tốc độ đô thị hóa nhanh làm tăng tỷ lệ bê tông hóa nền mặt đường, cống hóa kênh mương, nhiều đô thị san lấp các hồ chứa tự nhiên để phát triển nhà ở, dự án xây dựng làm giảm hệ số thấm tự nhiên. Tính đến tháng 9/2023 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 42,6% với 902 đô thị các loại.

Trong khi hệ thống thoát nước của các đô thị tại Việt Nam đều được hình thành từ khá lâu, trải qua nhiều thời kỳ, dù đã được cải tạo, nâng cấp nhưng còn chắp vá, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Như tại Hà Nội, theo quy hoạch, công suất thiết kế của hệ thống thoát nước là dưới 100 mm/2h, với các trận mưa to đến rất to (lượng mưa đến 150 ÷ 200 mm) sẽ xuất hiện các điểm úng.

Về nguyên nhân chủ quan: Quy hoạch và quản lý cao độ nền chưa được xem trọng, chất lượng còn thấp. Nhiều đô thị chưa có cao độ nền, chưa xác định được cốt khống chế toàn đô thị. Nhiều khu vực có cao độ xây dựng cao hơn cao độ khống chế gây nên tình trạng ngập úng cục bộ tại khu vực đó.

Về quy hoạch chuyên ngành thoát nước: Theo Luật Quy hoạch năm 2017 không quy định việc lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật vùng tỉnh, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị (chỉ quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương), quy hoạch khu chức năng đặc thù đối với công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, dẫn đến những khó khăn ban đầu trong công tác quản lý cũng như triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, trong đó có công trình thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải. Công tác lập, thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch thoát nước được duyệt còn hạn chế.

Hệ thống cống thoát nước ở các đô thị của Việt Nam chủ yếu là hệ thống chung cho nước mưa và nước thải lại đa phần đã được xây dựng từ lâu nên thường hư hỏng, nhiều bùn, rác; việc kết nối giữa hệ thống thoát nước mới và cũ, giữa hệ thống thoát nước đô thị và hệ thống thủy lợi còn hạn chế, thiếu đồng bộ.

Chi phí xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước cần có nguồn vốn lớn trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế; tiến độ thực hiện các dự án, giải quyết vấn đề về thoát nước chống ngập còn chậm.

Ý thức bảo vệ hệ thống thoát nước của cộng đồng chưa cao như xả rác thải xuống hồ điều hòa, mương thoát nước, lấp bịt ga thu nước diễn ra khá phổ biến.

Ông đánh giá như thế nào về hạ tầng thoát nước đô thị hiện nay của Việt Nam?

- Về mạng lưới thu gom nước mưa, nước thải: Hệ thống thoát nước các khu dân cư thuộc các đô thị lớn, các lưu vực sông chủ yếu được đầu tư qua nhiều giai đoạn, chủ yếu là hệ thống thoát nước chung. Tỷ lệ bao phủ dịch vụ hệ thống thoát nước đô thị toàn quốc đạt khoảng 64%; trong khu vực có hệ thống thoát nước thải khoảng 70% hộ gia đình đã đấu nối, còn lại hầu hết lượng nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt. Bình quân lượng nước thải sinh hoạt được xử lý chỉ đạt 17% tổng lượng nước thải cần được thu gom xử lý. Tỷ lệ đường cống thoát nước trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới (trung bình khoảng dưới 0,5 m/người, so với thế giới là 2 m/người).

Về nhà máy xử lý nước thải: Đến năm 2023, cả nước có 82 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang vận hành ở hơn 50 đô thị, với tổng công suất thiết kế là 1,466 triệu m3/ngày, công suất thực tế là 770 nghìn m3/ngày. Hiện nay, có khoảng 80 dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị cấp tỉnh đang trong quá trình thiết kế/thi công xây dựng, với tổng công suất thiết kế gần 2,2 triệu m3/ngày. Tổng mức đầu tư cho thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 1995 - 2021 là khoảng hơn 3 tỷ USD.

Tại một số đô thị, thực tế đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên, một số nhà máy hoạt động chưa đạt công suất thiết kế do tỷ lệ đấu nối thoát nước từ các hộ gia đình còn thấp hoặc mạng lưới thu gom chưa được đầu tư đồng bộ (trung bình vận hành khoảng trên 50% công suất thiết kế).

Mạng lưới tiêu thoát nước mưa, nước thải tại các đô thị còn thiếu, tiết diện cống nhỏ, xây dựng không đồng bộ, một số tuyến cống xuống cấp và hư hỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước thực tế.

Vậy đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này?

Vậy đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này?

- Theo tôi, để giải quyết vấn đề này thì chúng ta cần có giải pháp như sau:

Trước mắt: Cần chuẩn bị phương án xử lý tại các vị trí, tuyến đường dự báo khả năng xuất hiện ngập. Chủ động duy tu, sửa chữa các vị trí xuống cấp, khơi thông cửa thu, thoát, nạo vét cống rãnh, kênh, rạch để đảm bảo 100% khả năng thoát nước. Tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm thoát nước để tăng khả năng thoát nước.

UBND các tỉnh, thành phố sớm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; Các địa phương cần lập bản đồ cảnh báo các điểm ngập úng và thông báo tới người dân; cần ưu tiên xử lý các điểm ngập úng cục bộ khu vực đô thị trung tâm, các khu dân cư có hệ thống thoát nước cũ đã xuống cấp.

Về lâu dài: Rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch thoát nước, tính toán lại hệ thống thoát nước. Cập nhật danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp vào quy hoạch. Quy hoạch đô thị, công trình không được tạo ra vùng ngập úng cục bộ, chấp nhận một số khu vực bị ngập nhưng mức độ chấp nhận được, trang bị kịch bản ứng phó với nội dung đơn giản, có bản đồ ngập úng để dễ thực hiện.

Ưu tiên nguồn vốn, kêu gọi, thu hút nguồn lực Nhà nước, xã hội đầu tư vào lĩnh vực thoát nước. Tập trung nguồn lực, xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước theo quy hoạch, kế hoạch.

Dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Luật Cấp, thoát nước vào kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025. Xin ông cho biết tiến độ xây dựng dự thảo Luật này?

- Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024, đưa Luật Cấp, thoát nước vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Ngày 17/5/2024, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo lần 1 “Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước”. Hiện đang cập nhật ý kiến của Hội thảo lần 1, dự kiến tiếp tục tổ chức Hội thảo lần 2 vào cuối tháng 6/2024 và sẽ tổ chức các Hội thảo chuyên đề nhằm đẩy mạnh công tác cơ chế phản hồi, phản biện, tiếp thu ý kiến đóng góp hợp lý, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của Luật sau khi ban hành. Và trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình, bảo đảm tiến độ và chất lượng như theo kế hoạch đề ra.

Luật được ban hành sẽ có vai trò gì để giảm thiểu ngập úng trên toàn quốc, đặc biệt tại các đô thị lớn?

- Đối với vấn đề ngập úng, trong dự thảo Luật Cấp, thoát nước đã đưa ra quy định mới cụ thể, các giải pháp đồng bộ từ xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, trách nhiệm phân công, phân cấp quản lý đối với lĩnh vực thoát nước trong đó chú trọng giảm thiểu ngập úng. Đặc biệt, nội dung dự thảo bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và của các đơn vị, xử lý linh hoạt để thực hiện các giải pháp giảm thiểu tại khu vực nội đô các thành phố lớn cụ thể: Tổng hợp, xây dựng thông tin cơ sở dữ liệu trong đó có thông tin về ngập úng (quy định tại khoản 2, Điều 20); Ưu tiên áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, vận hành, bảo trì, bảo vệ hệ thống cấp, thoát nước; nâng cao chất lượng dịch vụ cấp, thoát nước và kiểm soát rủi ro, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng (quy định tại Điều 10)...

Giải pháp xử lý linh hoạt, kịp thời vấn đề ngập úng cục bộ tại các khu vực nội đô các thành phố lớn, sẽ bổ sung “Giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức lập phê duyệt, triển khai đầu tư xây dựng công trình chống ngập cục bộ, có quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ...” như đầu tư hệ thống thu gom, lưu trữ/lưu chứa/điều hòa nước mưa, cập nhật điều chỉnh bổ sung dự án chống ngập cục bộ trong quy hoạch thoát nước, ưu tiên tận dụng các khu đất công cộng trong nội đô (như công viên, vườn hoa, trường học,...), đây là điểm mới, các địa phương sẽ chủ động, giải quyết linh hoạt các vấn đề ngập úng trên địa bàn quản lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Quang (thực hiện)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/khac-phuc-ngap-ung-do-thi-nguyen-nhan-va-giai-phap-377728.html