Khắc phục ngộ độc hữu cơ và diệt trừ ốc bươu vàng hại lúa non

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã cơ bản cấy xong diện tích lúa mùa với các giống chủ yếu như: Khang dân, Hương thơm, BC15, Thiên ưu 08, TBR 45, RVT, BT... Kết quả kiểm tra của ngành chuyên môn cho thấy, đã có diện tích lúa non bị ngộ độc hữu cơ và ốc bươu vàng gây hại, bà con cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp để khắc phục, diệt trừ dịch hại, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Người dân xã Thượng Ấm (Sơn Dương) làm cỏ, sục bùn tạo điều kiện cho lúa non bén rễ, hồi xanh.

Người dân xã Thượng Ấm (Sơn Dương) làm cỏ, sục bùn tạo điều kiện cho lúa non bén rễ, hồi xanh.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thống kê sơ bộ, đã có 242 ha lúa mới cấy bị nhiễm ốc bươu vàng, trong đó có 14 ha bị nhiễm nặng tập trung tại các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn. Riêng đối bệnh nghẹt rễ chưa có số liệu thống kê cụ thể, song nhiều chòm lúa mới cấy của bà con đã có hiện tượng vàng lá.

Tại cánh đồng xã Thái Long (TP Tuyên Quang) dù lúa đã được cấy gần 1 tuần nhưng một số chòm chưa có dấu hiệu hồi xanh, lá lúa non bị vàng dần. Theo bà con nông dân lúa chậm phát triển, đã vậy ốc bươu vàng còn phá hại nên bà con rất lo lắng. Xã Trung Môn (Yên Sơn) lúa non mới cấy của bà con cũng có hiện tượng bị vàng lá. Chị Phạm Thị Chiến, xóm 3, xã Trung Môn cho biết, cũng như những vụ trước ngay khi thu hoạch xong lúa xuân là gia đình tiến hành làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. Tuy nhiên, không hiểu lý do tại sao mạ trước khi cấy rất đẹp sau khi cấy 4 - 5 ngày lá đỏ dần, rễ kém phát triển.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, bệnh vàng lá trên lúa mới cấy là do lúa bị ngộ độc hữu cơ. Triệu chứng của bệnh, cây lúa có hiện tượng rễ thối đen, lá khô đỏ vàng, cây còi cọc, đẻ nhánh ít, nếu không khắc phục kịp thời khi bị nặng có thể bị chết lụi hàng vạt lớn. Bệnh gây hại trên lúa mùa chủ yếu ở giai đoạn bén rễ, hồi xanh đến đẻ nhánh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây lúa và làm giảm năng suất. Nguyên nhân gây bệnh có thể do điều kiện thời tiết khắc nghiệt (nắng nóng) gây bất lợi cho sinh lý cây lúa; thời gian chuyển mùa vụ quá gấp, đất không được làm sớm, rơm rạ vùi xuống chưa kịp phân hủy sản sinh nhiều chất độc hại đối với cây lúa. Thậm chí là đất ruộng lúa bị thiếu oxy kéo dài với nhiều nguyên nhân khác nhau (tình trạng yếm khí, đất tích tụ nhiều khí độc, ngộ độc hữu cơ, đất úng hoặc quá chặt...) đã làm ảnh hưởng đến sự hô hấp và sinh trưởng của bộ rễ, làm rễ thối đen và không phát triển, khả năng hút chất dinh dưỡng giảm gây tình trạng cây thiếu dinh dưỡng.

Bà con nông dân cần thực hiện các biện pháp phòng, chống kịp thời để bảo đảm vụ mùa đạt kết quả tốt. Những chân ruộng trũng, lầy thụt hoặc đất dộc chua phải cày bừa kỹ, bón vôi bột 15 kg/sào kết hợp với phân chuồng hoai mục và phân lân nhằm hạn chế khí độc có ở trong đất trước khi cấy. Sau khi cấy xong, bà con nên tiến hành làm cỏ, sục bùn sớm để giải phóng độc tố trong đất. Đối với ruộng đã bị nghẹt rễ nặng tuyệt đối không được bón đạm, những ruộng trũng nước, nếu thuận tiện thì tháo kiệt nước, phơi ruộng vài ba ngày, bón thêm vôi bột kết hợp với phân lân, tăng cường làm cỏ sục bùn để giải phóng khí độc trong đất. Kết hợp sử dụng các chế phẩm phun bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa như: Gibta, Atonik 1.8SL, HQ-801… pha theo hướng dẫn trên bao bì và phun ướt đều tán lá. Nếu ruộng bị nặng sử dụng thuốc Antracol 70WP pha 25 gam/bình 8 lít nước phun ướt đều tán lá, phun 1 - 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày. Khi cây lúa hồi xanh trở lại, ra nhiều rễ mới màu trắng thì tiến hành chăm sóc, bón phân thúc đẻ bình thường.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, đối với ốc bươu vàng phải áp dụng triệt để các biện pháp thủ công, hóa học để diệt trừ. Trên những ruộng nhiễm ốc bươu vàng với mật độ trên 3 con/m2 trở lên cần sử dụng một trong các loại thuốc như: Pilot 500WP, VT-Dax 700WP, Clodansuper 700WP,... phun rải thuốc theo hướng dẫn trên bao bì. Ngoài ra, cần chú ý phòng trừ các ổ rầy, sâu cuốn lá, sâu đục thân và diệt chuột bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để hạn chế nguồn chuột gây hại khi lúa chuyển sang giai đoạn làm đòng đến thu hoạch.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/khac-phuc-ngo-doc-huu-co-va-diet-tru-oc-buou-vang-hai-lua-non-120199.html