Khắc phục những tồn tại, bất cập để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, quá trình thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nên việc sửa đổi là hoạt động cấp thiết.

Ngày 6/10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy phát biểu khai mạc phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48 ngày 6/5/2021.

Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Chỉ thị số 30 ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương;

Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù;

Hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khac-phuc-nhung-ton-tai-bat-cap-de-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-a573480.html