Khắc phục sạt lở đèo Bảo Lộc: Nỗ lực thông đường sớm nhất
Tiếng máy đào, múc, vận chuyển rền vang cả góc đồi, đưa những khối bùn đất nhão, đá hộc ra khỏi khu vực mái taluy dương bên mé đường.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo các đơn vị ngành giao thông, các đơn vị chức năng tập trung khắc phục sạt lở, thông tuyến qua đèo Bảo Lộc sớm nhất theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.
Xuyên đêm làm nhiệm vụ
Ghi nhận PV Báo Giao thông, 19h tối 31/7, các mũi thi công hót dọn, xử lý sạt lở tại khu vực đèo Bảo Lộc - nơi vùi lấp 3 chiến sĩ CSGT và một người dân vẫn được các đơn vị quản lý, Công ty 886 Thành Nam tập trung tối đa.
Tiếng máy đào, múc, vận chuyển rền vang cả góc đồi, đưa những khối bùn đất nhão, đá hộc ra khỏi khu vực mái taluy dương bên mé đường. Thời tiết bất lợi, trời đêm không cản bước nỗ lực của các đơn vị.
Tại hiện trường, Công ty 886 Thành Nam, đơn vị được giao nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc đã huy động 10 máy đào, 3 máy ủi, 2 máy xúc lật.
Ngoài ra, có hàng chục phương tiện máy móc nằm gần hiện trường sẵn sàng thay thế nhau san gạt.
Quệt mồ hôi thấm đẫm khuôn mặt, ông Bùi Duy Anh, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ IV.1 cho biết, đêm 30/7, các đơn vị trắng đêm tìm kiếm nạn nhân. Đến tối 31/7, mọi người xác định rõ nhiệm vụ làm xuyên đêm khắc phục sạt lở, nhanh chóng được thông tuyến.
Bên cạnh các mũi thi công, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ điều tiết, phân làn, hướng dẫn giao thông cũng ứng trực, tăng cường cho mọi tình huống.
Ngay từ sáng 31/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đã trực tiếp vào hiện trường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tăng cường tối đa nhân vật lực, trang thiết bị chuyên dụng để đẩy nhanh tiến độ khắc phục sạt lở.
Thứ trưởng chỉ đạo, công tác khắc phục sạt lở phải khẩn trương và tuyệt đối an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý các địa phương, ngành chức năng tiếp tục khảo sát, đánh giá cụ thể các điểm nguy cơ sạt lở trên tuyến quốc lộ 20, đèo Bảo Lộc và khu vực miền núi Lâm Đồng trước nguy cơ lũ ống, lũ quét do mưa lớn kéo dài trên địa bàn những ngày qua.
“Phòng chống thiên tai như chống giặc, cần kiên quyết, dứt khoát, phải di dời các hộ dân ra khỏi những khu vực này. Cần tính đến việc ổn định nơi ăn, chốn ở cho nhân dân, tránh trường hợp di dời đến nơi ở mới rồi sau mùa mưa người dân lại quay về chỗ cũ”, Thứ trưởng nói và lưu ý, khi sạt lở xảy ra rồi thì việc đảm bảo ATGT là ưu tiên hàng đầu. Các lực lượng đảm bảo ATGT cầu đường của ngành GTVT luôn túc trực tại hiện trường 24/24h.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở đèo Bảo Lộc được tìm thấy, lực lượng chức năng khẩn trương dọn dẹp hiện trường đất, đá đổ trên quốc lộ 20 qua khu vực.
“Cơ bản đến tối 31/7, các công tác hót dọn, xử lý sạt trượt đã xong, nhưng việc lưu thông phương tiện vẫn chưa thể tiến hành, do phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Ngành GTVT và tỉnh đang rà soát, đánh giá độ an toàn mới quyết định cho thông tuyến hay không. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào thời tiết trong vài ngày tới. Hiện chưa dự kiến được thời gian lưu thông trở lại của đèo Bảo Lộc”, ông Phúc nói.
Thời tiết bất lợi, lưu thông thế nào?
Theo ông Phạm Bé, Chánh thanh tra Sở GTVT Lâm Đồng, mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị gián đoạn lưu thông những ngày qua.
Lực lượng thanh tra giao thông tuần tra kiểm soát 24/24h trên các tuyến quốc lộ 25, 27, 28, 28B, 55, tỉnh lộ 724 để điều tiết giao thông đi theo các tuyến tránh sạt lở đèo Bảo Lộc và quốc lộ 55.
Lãnh đạo Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh chưa cho phép lưu thông qua đèo Bảo Lộc, đơn vị đã tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông từ xa cho các phương tiện.
Các đơn vị bố trí chốt chặn, hướng dẫn giao thông cho các phương tiện hướng từ TP.HCM đi Đà Lạt di chuyển theo hướng đường tỉnh lộ 721 qua huyện Đạ Tẻh và tỉnh lộ 725 qua huyện Bảo Lâm đến ngã ba Lộc Sơn, TP Bảo Lộc lên TP Đà Lạt. Hướng thứ 2, các phương tiện di chuyển theo cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, qua quốc lộ 28B lên TP Đà Lạt.
Hướng từ thành phố Đà Lạt đi TP.HCM, khi di chuyển đến ngã ba Lộc Sơn, TP Bảo Lộc rẽ phải đi huyện Bảo Lâm qua đèo Con Ó, qua huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai (thông qua tỉnh lộ 721) rẽ phải đi TP.HCM. Từ TP Đà Lạt đến huyện Đức Trọng rẽ qua quốc lộ 28B và đi TP.HCM. Từ TP Đà Lạt đến huyện Di Linh rẽ qua quốc lộ 28 đi về TP.HCM...
Khoảng 14h30 ngày 30/7, mưa lớn liên tục gây sạt lở đất đá làm vùi lấp trụ sở Trạm CSGT Madagui nằm giữa đèo Bảo Lộc.
Vụ sạt lở khiến 3 cán bộ CSGT hy sinh gồm: Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (SN 1981, quê Hải Dương), thượng úy Lê Quang Thành (SN 1977, quê Quảng Trị), thượng úy Lê Ánh Sáng (SN 1990, quê tỉnh Hà Tĩnh) thuộc Trạm CSGT Madagui và anh Phạm Ngọc Anh (người dân tới hỗ trợ di chuyển đồ đạc, SN 2000, quê Thanh Hóa) tử vong.
Vụ sạt lở khiến giao thông qua đèo Bảo Lộc bị chia cắt hoàn toàn.