Khắc phục sự mất tập trung ở trẻ khi học, khi chơi

Vì sao con chẳng bao giờ tập trung khi học, khi làm một việc nào đó? Làm thế nào để con tập trung hơn? Đó là vấn đề khiến không ít cha mẹ đau đầu.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không tập trung khi học

Đây có lẽ là mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh đối với con trẻ. Ngày nay, hiện tượng trẻ em ngồi học không tập trung, thiếu kiên trì xảy ra nhiều hơn. Trong giờ học, trẻ thích: hoạt động chân tay, nghịch các đồ vật xung quanh, nằm bò ra bàn đồng thời nói tự do về các chủ đề không liên quan thay vì hoàn thành bài tập.

Khi được bố mẹ nhắc, có những đứa trẻ thậm chí không biết mình đang học phần nào. Có những trẻ trở lại bài học nhưng không thể hoàn thành bài vì không tập trung tư duy trước đó.

Không chỉ trong những giờ học ở nhà, trên lớp học, trẻ thiếu tập trung thường thích: trêu bạn, nghịch bút, vẽ bậy ra vở hay nằm dài trên bàn. Có những khoảng thời gian trẻ ngồi yên trên ghế nhưng vẻ mặt lơ đãng, thiếu tập trung vào lời cô giáo giảng.

Thiếu tập trung lắng nghe ý kiến từ người khác

Tuy đây chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh nhưng lại là yếu tố gây nên những khó chịu dành cho trẻ. Những trẻ thiếu tập trung thường cũng ít khi đủ kiên trì để lắng nghe ý kiến từ người khác. Trong mỗi câu chuyện, trẻ thường lơ đãng, ngồi im lặng hoặc chạy tự do. Trẻ ít khi nhìn vào mắt người khác vì đó dường như không phải mối quan tâm của trẻ.

Mất tập trung trong trò chơi đòi hỏi tư duy, kiên trì

Do những trò chơi đó cần nhiều thời gian nên việc tham gia của những trẻ thiếu tập trung thường cũng bị hạn chế. Trẻ thiếu tập trung thường có sự hứng thú hơn so với những trẻ khác khi bắt đầu trò chơi. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, trẻ sẽ tự chơi theo cách của mình và phá vỡ trò chơi khi gặp phải những chỗ cần tư duy. Đối với những trò chơi đòi hỏi sự kiên trì, tập trung như Lego, tìm số, những trẻ thiếu tập trung chỉ chơi được một lúc sẽ bỏ dở hoặc phá phách đồ chơi… Thường với những trẻ này, những điều mới lạ, liên tục mới thực sự "níu chân" được.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trẻ "không ngồi yên một chỗ bao giờ"

Có những trẻ không ngồi yên do sự hiếu động, thích khám phá, tìm tòi. Song, trong những trường hợp, sự hiếu động thái quá, quậy phá, chơi những hoạt động nguy hiểm lại do một dạng bệnh lý gây nên đó là hiện tượng "tăng động, giảm chú ý" ở trẻ… Một phần lý do là do trẻ có khả năng lắng nghe và phân tích thông tin kém, mặt khác là do đại não có sự hưng phấn ngắn dẫn đến việc các con chỉ tập trung được trong thời gian không dài, do gene di truyền hoặc môi trường sống rối loạn.

Nguyên nhân và cách khắc phục

Phong cách học tập không phù hợp: Mỗi trẻ là một cá thể khác nhau nên phong cách học tập khác nhau: một số học tốt nhất bằng cách nhìn, một số bằng cách nghe và một số khác bằng cách làm. Nếu giáo viên nhấn mạnh một phong cách học tập không phù hợp với cách học của trẻ, điều này có thể khiến trẻ thiếu tập trung và hiểu biết. Ví dụ, nếu trẻ là người học bằng hình ảnh và trẻ đang đọc một cuốn sách rất nhàm chán không có hình ảnh, có thể trẻ cần kích thích thị giác nhiều hơn để thu hút sự chú ý. Hoặc có thể trẻ là một người học bằng thính giác và ngôi nhà mà trẻ đang ở có nhiều âm thanh tiếng khiến con không thể tập trung.

Do sử dụng các thiết bị công nghệ: Nhiều bố mẹ hay để con sử dụng các thiết bị công nghệ mà không giới hạn thời gian dùng. Các bậc phụ huynh không biết rằng ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại, máy tính… có thể phá vỡ nhịp sinh học, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ đồng thời làm giảm khả năng phát triển của não bộ. Từ đó khiến trẻ tiếp nhận thông tin thụ động và dễ bị xao nhãng.

Vấn đề từ gia đình: Những căng thẳng từ gia đình có thể khiến trẻ chìm vào những suy nghĩ của riêng bản thân mình. Cha mẹ nên hạn chế tối đa những tranh cãi trước mặt con trẻ. Bên cạnh đó, những căng thẳng vì bất kỳ lý do nào đó cũng khiến trẻ thiếu tập trung vào nhiều việc, ảnh hưởng nặng nề đến lối suy nghĩ của con, cụ thể ở đây là việc học.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khac-phuc-su-mat-tap-trung-o-tre-khi-hoc-khi-choi-2022021012201286.htm