Khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết Luật

Theo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024; khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết Luật, pháp lệnh…

Theo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024; khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết Luật, pháp lệnh

Theo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024; khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết Luật, pháp lệnh

Ngày 15/7, Bộ Tư pháp đã thông tin tới báo chí kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Bộ Tư pháp đã trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp đã trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến đối với Luật Thủ đô, Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng…; các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh; 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã.

Các đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức thẩm định 113 đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức pháp chế các bộ, ngành thẩm định 222 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 2.069 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND, dự thảo VBQPPL; các Phòng Tư pháp thẩm định 1.124 dự thảo VBQPPL.

Trong đó, nhiều báo cáo thẩm định được đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian rất gấp, như: “Chùm” Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng. Các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền tổng số 1.601 VBQPPL; trong đó, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.131 văn bản.

Tổ chức hơn 305 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật

Theo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 305 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; hơn 4.000 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với khoảng 4 triệu lượt người dự thi; phát hơn 22 triệu tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật. Cả nước tiếp nhận hơn 46 nghìn vụ việc hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 83%, góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cả nước có hơn 10 nghìn đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 96,1%).

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, (tính từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/6/2024), hệ thống thi hành án đã thi hành xong gần 404.000 việc, đạt tỉ lệ 65,24% với hơn 73 nghìn tỷ đồng, đạt tỉ lệ 27,6%. Trong lĩnh vực thi hành án hành chính, đã thi hành xong 400 việc.

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận, xử lý trên 219 nghìn thông tin, cập nhật và tạo lập, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu hơn 158 nghìn thông tin; các Sở Tư pháp đã cấp được gần 610 nghìn phiếu lý lịch tư pháp.

Thu hồi hơn 11 nghìn tỷ đồng tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Theo Bộ Tư pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chỉ đạo thực hiện nghiêm, đúng quy định pháp luật và bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan. Từ tháng 10/2023 đến hết tháng 5/2024, các cơ quan thi hành án đã thu hồi hơn 11 nghìn tỷ đồng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi hơn 9 nghìn tỷ đồng đối với các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Bộ Tư pháp cũng đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu; trong đó, tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024; khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết Luật, pháp lệnh; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản.

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Ban chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tham mưu vấn đề pháp lý, giải quyết vướng mắc, hỗ trợ việc áp dụng pháp luật để các cơ quan, ban ngành, địa phương tự tin giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, đầu tư, kinh doanh.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khac-phuc-tinh-trang-cham-no-ban-hanh-van-ban-quy-dinh-chi-tiet-luat.html