Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Do thiếu nguồn tuyển, năm học này, một số địa phương không tuyển đủ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học. Để đảm bảo công tác dạy học, ngành giáo dục thực hiện nhiều giải pháp nhằm bố trí đủ giáo viên đứng lớp.
Nơi thừa, nơi thiếu nguồn tuyển
Năm học 2023 - 2024, huyện Phú Lộc thiếu 43 giáo viên tiểu học. Để bổ sung giáo viên cho năm học này, UBND huyện tổ chức tuyển dụng nhưng chỉ có 5 người nộp hồ sơ. Không có nguồn tuyển, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện phải xoay xở để bố trí đủ giáo viên đứng lớp, thậm chí Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng phải đứng lớp để đảm bảo việc dạy và học 2 buổi/ngày.
Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc cho biết, tình trạng thiếu giáo viên bậc tiểu học ở địa phương khá trầm trọng. “Việc tuyển dụng giáo viên ở Phú Lộc gặp nhiều khó khăn do không có nguồn tuyển. Mức lương của giáo viên mới ra trường thấp, không đảm bảo cuộc sống nên một số người lựa chọn làm những công việc khác. Hơn nữa, theo Luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên đối với cấp tiểu học là cử nhân nên nhiều người có trình độ cao đẳng không đạt yêu cầu”, bà Hương nói.
Năm học này, thị xã Hương Thủy cũng thiếu 21 giáo viên tiểu học nhưng may mắn tuyển đủ 21 chỉ tiêu trong đợt tuyển dụng vừa qua, kịp bổ sung cho năm học 2023 - 2024. Ông Nguyễn Quang Bình, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hương Thủy thông tin: “Năm ngoái, Hương Thủy thiếu 25 giáo viên tiểu học nhưng khi tuyển dụng chỉ có hơn 10 hồ sơ đăng ký nên thiếu trầm trọng. Năm nay, rất mừng là tỷ lệ nộp hồ sơ khá đông nên chúng tôi đã tuyển đủ”.
TP. Huế vừa tuyển dụng 130 viên chức giáo dục, gồm 116 giáo viên và 14 nhân viên trường học; trong đó có 37 giáo viên tiểu học, 26 giáo viên mầm non. Nguồn tuyển năm nay của TP. Huế khá dồi dào khi có đến 548 hồ sơ đăng ký dự thi viên chức và nhân viên hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Đủ điều kiện dự thi vòng 1 viên chức có 537 thí sinh. Sau 2 vòng thi, có 114 thí sinh trúng tuyển viên chức.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có trên 17.087 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 127 giáo viên xin nghỉ việc, trong đó phần lớn là giáo viên khối mầm non. Trước đó, năm 2022, toàn tỉnh cũng có 81 trường hợp giáo viên xin nghỉ việc. Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cho hay, nhiều giáo viên xin nghỉ việc do áp lực công việc cao, mức lương thấp, khung chính sách đãi ngộ giáo viên chưa đảm bảo tương xứng với đặc thù công việc, khó khăn do điều kiện dạy học xa nhà. Một số giáo viên khác nghỉ việc do hoàn cảnh cá nhân, như lập gia đình, đoàn tụ với người thân ở nước ngoài, ngoại tỉnh...
Theo ngành giáo dục, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các môn học, giữa các cấp học và các địa bàn. Thời điểm ngày 30/6, toàn tỉnh thiếu 614 cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên; trong đó, cấp trung học cơ sở thiếu 56, trung học phổ thông thiếu 85, còn lại là mầm non và tiểu học. Nhưng đến nay, một số địa phương đã tuyển đủ số giáo viên còn thiếu, như thị xã Hương Thủy và TP. Huế.
Cần có chính sách thu hút
Để đảm bảo đội ngũ thực hiện công tác dạy và học, đặc biệt là thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo tuyển dụng viên chức cho các đơn vị giáo dục công lập theo phân cấp quản lý. Ông Nguyễn Tân cho biết, năm học này, ngành giáo dục rà soát biên chế toàn ngành để nắm tổng thể, đánh giá cụ thể và tham mưu UBND tỉnh các chính sách về đội ngũ phù hợp. Đồng thời, tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao bảo đảm số lượng và chất lượng, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu.
"Ngành thực hiện đồng thời công tác tuyển dụng với việc điều tiết giáo viên giữa vùng thừa, vùng thiếu để đảm bảo sự cân đối, tránh tình trạng môn thừa, môn thiếu, dẫn đến sự bất cập trong việc tuyển dụng. Tính toán để cơ cấu môn học lựa chọn hợp lý đối với giáo dục trung học phổ thông, bố trí kế hoạch dạy học theo mạch chương trình đối với các môn học tích hợp của trung học cơ sở trên tinh thần phù hợp với điều kiện của từng nhà trường. Trong công tác thuyên chuyển, ưu tiên tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên có cùng chuyên môn hoán đổi vị trí công tác và bố trí sắp xếp gần nhà để đội ngũ yên tâm công tác. Về lâu dài, cần phải thực hiện thật tốt công tác dự báo cũng như bám sát Nghị quyết 135 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục của tỉnh để rà soát xây dựng kế hoạch đội ngũ, khắc phục các bất cập trong thời kỳ thực hiện chương trình phổ thông mới, Luật Giáo dục mới”, ông Tân nói.
Các địa phương cũng có phương án bố trí giáo viên đảm bảo công tác dạy học tùy theo điều kiện thực tế. Bà Cái Thị Cẩm Hương cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trước mắt, Phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc hợp đồng những giáo viên đã nghỉ hưu, giáo viên có trình độ cao đẳng. Trong khi đó, địa phương vẫn tiếp tục tuyển dụng số giáo viên còn thiếu. Đồng thời, động viên số giáo viên hợp đồng có trình độ cao đẳng học liên thông lên đại học để đủ điều kiện đăng ký tuyển dụng.
Theo ông Nguyễn Tân, các địa phương cũng cần xem lại chính sách thu hút giáo viên, vẫn có nơi chưa thực sự có cơ chế ưu ái. Nguồn tuyển vừa qua của TP. Huế thừa rất nhiều, nguồn tuyển từ nôi Đại học Sư phạm – Đại học Huế cũng không thiếu. Vì vậy, chính sách từng địa phương trong tuyển dụng, bố trí rất quan trọng, cần có sự thay đổi mới có nguồn tuyển.