Khách du lịch đến Long An và Quảng Bình trong dịp lễ 30/4 và 1/5 tăng

Có khoảng 40.000 lượt khách du lịch đến Long An dịp lễ 30/4 và 1/5, tăng 14% so với cùng kỳ, trong khi số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 250.000 lượt khách, tăng 73,91% so với cùng kỳ 2022.

Các vũ công và nghệ sỹ diễu hành trên đường phố. (Ảnh: Đức Tuấn/TTXVN)

Các vũ công và nghệ sỹ diễu hành trên đường phố. (Ảnh: Đức Tuấn/TTXVN)

Ngày 3/5, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 (từ ngày 29/4 đến 3/5/2023), tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 250.000 lượt khách, tăng 73,91% so với cùng kỳ năm 2022, trong số đó có khoảng 7.500 lượt khách quốc tế.

Tổng thu từ khách du lịch trong dịp nghỉ lễ ước đạt khoảng 282,5 tỷ đồng, tăng 78,66% so với dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2022.

Đợt nghỉ lễ năm nay kéo dài 5 ngày đã tạo thuận lợi cho du khách có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tham quan, khám phá. Cùng với đó, điều kiện thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong những ngày qua khá thuận lợi với tiết trời nắng ráo, mát mẻ giúp du khách dễ dàng di chuyển và mang đến những trải nghiệm thú vị, đầy ấn tượng khi đến địa phương.

Số lượng du khách đến Quảng Bình tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nên các cơ sở lưu trú từ 3 sao và tương đương trở lên, các homestay, farmstay, cơ sở lưu trú có không gian rộng rãi, thoáng mát, cảnh quan đẹp tại Phong Nha-Kẻ Bàng, thành phố Đồng Hới đạt công suất phòng khoảng 95% trở lên.

Du khách đến Quảng Bình đợt này chủ yếu là khách nội địa đến từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau và chiếm phần lớn là khách từ thị trường Anh, Australia, Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc...

Hệ thống hang động nguyên sơ, kỳ vỹ và tuyệt đẹp ở Quảng Bình luôn thu hút đông du khách đến tham quan, nhất là động Phong Nha và động Thiên Đường. Bên cạnh đó, các điểm tham quan du lịch khác như: suối Nước Moọc, Zipline sông Chày-hang Tối, Công viên Ozo, thung lũng Hava, bãi biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú và các địa điểm check-in khác trên địa bàn toàn tỉnh như Suối đá, Chà Rào-Chà Cùng, Lèn Chùa, đồi cát Quang Phú, làng chài Nhân Trạch, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Quảng trường Hồ Chí Minh, phố đi bộ Đồng Hới... vẫn là lựa chọn chủ yếu của du khách khi đến Quảng Bình.

Ngoài ra, các sản phẩm du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy cũng thu hút số lượng lớn khách du lịch.

Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách trong những ngày cao điểm dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 30/4-1/5, từ ngày 27/4, các hãng hàng không đã tăng thêm 1-2 chuyến mỗi ngày các chặng Đồng Hới-Hà Nội, Đồng Hới-Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, các ngày 28/4, 29/4, 2/5 và 3/5 có 7 chuyến khứ hồi mỗi ngày tại sân bay Đồng Hới với 3 chuyến chặng Hà Nội-Đồng Hới và 4 chuyến chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Hới.

Theo ngành Du lịch địa phương, trong tổng số các chuyến bay tăng cường so với ngày thường, số chuyến chặng Hà Nội-Đồng Hới nhiều hơn so với chặng Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Hới. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng cao của thị trường khách du lịch phía Bắc đối với du lịch Quảng Bình năm 2023.

Quảng Bình đang ngày càng trở thành điểm đến an toàn và thu hút, hấp dẫn đông du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ năm nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ấn tượng với các sự kiện, lễ hội nổi bật, thu hút đông người dân và du khách tham gia, trải nghiệm, cụ thể như Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới, Lễ hội Đua thuyền truyền thống huyện Bố Trạch lần thứ VI và Hội thi cá trắm Sông Son năm 2023, Giải Đua thuyền truyền thống huyện Tuyên Hóa, Lễ Hội Rằm Tháng Ba Minh Hóa... Công tác đón tiếp, phục vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu, đảm bảo an toàn và mang đến sự hài lòng đối với khách du lịch.

Năm 2023, ngành du lịch Quảng Bình phấn đấu đón từ 3 - 3,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.400-3.900 tỷ đồng. Sở Du lịch Quảng Bình, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch... cùng với người dân địa phương đang nỗ lực, chung tay quảng bá, phát triển và xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn, là điểm đến khác biệt, lý tưởng của du khách.

Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đón hơn 20.000 lượt du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đón hơn 20.000 lượt du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết, có khoảng 40.000 lượt khách du lịch đến Long An dịp lễ 30/4 và 1/5, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó có khoảng 1.000 lượt khách quốc tế; công suất sử dụng phòng là 50%. Doanh thu du lịch dịp này khoảng 20 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Nhìn chung các khu, điểm du lịch tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong những ngày lễ 30/4 và 1/5 phong phú, đa dạng, bố trí đủ lực lượng và những điều kiện cần thiết để phục vụ du khách, đảm bảo du khách được nghỉ lễ vui tươi, lành mạnh, an toàn.

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm cũ; chủ động liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch nhằm kích cầu thị trường khách nội địa.

Tại một số khu, điểm du lịch nổi tiếng ở Long An như Khu phức hợp giải trí Khang Thông-Happyland (huyện Bến Lức) đón khoảng 8.000 lượt khách; điểm du lịch văn hóa Phước Lộc Thọ (huyện Đức Hòa) đón khoảng 500 lượt khách; Vườn thú Mỹ Quỳnh (huyện Đức Hòa) đón khoảng 4.000 lượt khách, với các chương trình ca nhạc, xiếc, ảo thuật đặc sắc, trò chơi cảm giác mạnh...

Bên cạnh đó, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa) đón khoảng 1.100 lượt khách; điểm du lịch sinh thái Chavi Garden (huyện Bến Lức) đón khoảng 1.000 lượt khách; Khu du lịch Cánh đồng bất tận (huyện Mộc Hóa) đón khoảng 200 lượt khách; các khu di tích lịch sử-văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý đón khoảng 1.200 lượt khách. Ngoài ra, các điểm như Sân golf Tân Mỹ, Sân golf Hoàn Cầu Long An cũng mở cửa phục vụ khách dịp lễ 30/4, 1/5...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Tấn Quốc cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn đều duy trì tốt chất lượng phục vụ, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch; chủ động xây dựng phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp lễ 30/4 và 1/5; bố trí đủ thực phẩm, hàng hóa và điều kiện cần thiết để phục vụ du khách; niêm yết giá công khai, bán đúng giá niêm yết; bảo đảm phòng, chống cháy nổ, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Song song đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nâng cao ý thức tự giác cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân trên địa bàn các quy định liên quan về hoạt động du lịch an toàn; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để người dân và khách du lịch nghỉ lễ vui tươi lành mạnh trong trạng thái bình thường mới; phối hợp với Công an cấp huyện bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các hành vi đeo bám, gây phiền hà cho du khách.

Còn theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (ngày 29/4 đến 3/5), ngành du lịch An Giang đón khoảng 300.000 lượt khách tham quan, tương đương so với cùng kỳ năm 2022.

Khu du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) đón 52.000 lượt khách trong dịp Lễ 30/4 và 1/5. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Khu du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) đón 52.000 lượt khách trong dịp Lễ 30/4 và 1/5. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Một số điểm tham quan trên địa bàn An Giang đón lượt khách du lịch đến tham quan lớn như: Khu du lịch quốc gia Núi Sam (Châu Đốc) đón 68.000 lượt; khu du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) đón 52.000 lượt; điểm du lịch Trà Sư (huyện Tịnh Biên) đón 12.000 lượt; điểm du lịch Tức Dụp (huyện Tri Tôn) đón 7.000 lượt; Miễu Bà Bàu Mướp (huyện Tịnh Biên) đón 48.0000 lượt khách.

Các điểm tham quan cụm hồ Tri Tôn như: Hồ Tà Pà, Soài Chek, Ô Thum... thu hút khoảng 90.000 lượt khách. Một số điểm tham quan khác như Điểm dừng chân Vạn Hương Mai (Châu Đốc), Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Long Xuyên), Nhà mồ Ba Chúc (Tri Tôn)... thu hút trên 20.000 lượt khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh.

Thống kê nhanh từ ngày 29/4-3/5 tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh khách lưu trú đạt 7.200 lượt, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế 269 lượt. Khách du lịch lưu trú tập trung đông tại các khách sạn trên địa bàn thành phố Châu Đốc và thành phố Long Xuyên, công suất phòng ước đạt 60%.

Theo ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, để tạo điều kiện vui chơi, giải trí cho du khách trong dịp lễ 30/4 và 1/5, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang tổ chức một số chương trình vui chơi giải trí kết hợp biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực phục vụ khách tham quan, du lịch như khu Cáp treo Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) tổ chức tiệc buffet bánh miễn phí và chương trình hoạt náo, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, xiếc, ảo thuật miễn phí; điểm du lịch rừng tràm Trà Sư tổ chức chương trình buffet các loại bánh truyền thống, trái cây và nước suối miễn phí phục vụ khách du lịch.

Ông Tuấn cho biết, huyện Tri Tôn cũng tổ chức sự kiện biểu diễn dù lượn và thả diều nghệ thuật với các hoạt động biểu diễn dù lượn, diều lượn, máy bay mô hình kết hợp chương trình biểu diễn văn nghệ đồng bào dân tộc Khmer, gian hàng ẩm thực “Hương vị đặc sắc Tri Tôn” tại Khu liên hợp Thể thao-Du lịch Tà Pạ-Soài Chek từ ngày 30/4-1/5, thu hút đông du khách đến An Giang trong kỳ nghỉ kéo dài.

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang cũng quan tâm chỉnh trang cơ sở vật chất, trang trí, tạo cảnh quan đẹp, ý nghĩa cho khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm, đồng thời có sự chuẩn bị chu đáo về vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, ổn định giá cả.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch An Giang đón 4 triệu lượt khách, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 50% kế hoạch năm 2023. Trong đó có 6.000 lượt khách quốc tế, tăng gấp 20 lần so cùng kỳ năm 2022 và đạt 50% kế hoạch năm 2023. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong quý I/2023 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 79% so cùng kỳ năm 2022 và đạt 45% kế hoạch năm.

Năm 2023, ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách tham quan; trong đó lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 700 nghìn lượt; phấn đấu doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 5.500 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, ngành du lịch tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa địa phương và Cụm liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Đồng Tháp; tập trung xây dựng các tour, tuyến du lịch tiêu biểu, kết nối các điểm du lịch đặc sắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch An Giang theo hướng phát triển các “chuỗi giá trị ngành du lịch” và “sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo” nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.

Ngoài ra, ngành du lịch An Giang cũng tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới làm phong phú loại hình, sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm du lịch; triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa, tập trung vào kỳ nghỉ hè và dịp lễ; đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch, khu vui chơi, giải trí.../.

Đức Hạnh-Võ Dung-Thanh Sang (TTXVN/Vietnam)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khach-du-lich-den-long-an-va-quang-binh-trong-dip-le-304-va-14-tang/860490.vnp