Khách hàng chây ì, lập hội nhóm 'bùng nợ', công ty tài chính không dám cho vay mới

Tình trạng chây ì trả nợ gia tăng, trong khi hoạt động thu hồi nợ đang bị 'siết', một số công ty tài chính tiêu dùng cho biết thời gian gần đây đã không dám cho vay khách hàng mới.

Người vay “bùng nợ” ngày một nhiều

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với công an một số tỉnh, thành làm rõ hành vi thu hồi nợ của Công ty luật TNHH Pháp Việt, khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng thu hồi nợ theo kiểu cưỡng đoạt tài sản.

Đặc biệt, mới đây, cơ quan công an cũng kiểm tra, khám xét Công ty F88 để làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới hoạt động cho vay và thu hồi nợ.

Theo ông Lê Quốc Ninh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, hoạt động đòi nợ trái pháp luật gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Bên cạnh đó, việc các đơn vị cầm đồ hoạt động “núp bóng” công ty tài chính cũng khiến dư luận nhầm lẫn, đánh đồng với công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép).

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng mà sẽ nảy sinh một số nguy cơ tiềm ẩn đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ.

Đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cũng nêu thực trạng thời gian gần đây xảy ra tình trạng nhiều khách hàng đã không chấp hành nghĩa vụ trả nợ, chây ì trả nợ ngày một nhiều. Chính vì thế, 3 tháng qua doanh nghiệp này đã phải tạm thời ngừng cho vay mới mà tập trung vào nhóm khách hàng có điểm tín nhiệm tốt.

Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến đòi nợ bất hợp pháp

Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến đòi nợ bất hợp pháp

Phía FE Credit cũng khẳng định doanh nghiệp này “không chấp nhận hành vi đòi nợ bất hợp pháp”. Tuy nhiên, Công ty này cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành cần có chế tài với người đi vay, phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ, tuân thủ các quy định trả nợ để hình thành một thói quen “vay văn minh, trả văn minh”.

Ngoài ra, các công ty tài chính cũng cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho nhân viên, nhất là nhân viên thu hồi nợ, sales...

Nhiều công ty tài chính cũng cho rằng, hiện nay, một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội đã tung thông tin không đúng bản chất sự việc khiến cho hình ảnh thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị méo mó, xuyên tạc, ảnh hưởng đến ý thức và trách nhiệm trả nợ của người dân.

Nghiêm trọng hơn trên mạng xã hội Facebook còn xuất hiện nhiều hội, nhóm được lập ra với mục đích chia sẻ cách vay tiền của công ty tài chính tiêu dùng rồi trốn nợ, bùng nợ.

Cần phân biệt cho vay cầm đồ và tài chính tiêu dùng

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, hiện này trên thị trường có hai loại hình cho vay là cho vay cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng. Cho vay cầm đồ là kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự do Bộ Công an quản lý, hoạt động theo đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh theo Bộ Luật dân sự về cầm đồ và quy định về an ninh trật tự.

Còn cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động dưới sự cấp phép và quản lý của Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo Luật các Tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp.

Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động với những tiêu chí như hệ số an toàn, rủi ro, nợ xấu, room cho vay… đều dưới sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.

Đối tượng của hai loại hình này đều dưới chuẩn, tuy nhiên, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị rà soát lại việc đặt tên “công ty tài chính” của loại hình cho vay cầm đồ hiện nay liệu có đang vi phạm Luật các Tổ chức tín dụng để tránh việc nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố rà soát lại.

Theo ông Hùng, trước dư luận về loại hình cho vay cầm đồ những ngày qua, các công ty tài chính tiêu dùng cũng đã bày tỏ những quan ngại về hệ quả có thể là người vay lần khất trả nợ các công ty tài chính tiêu dùng dẫn đến nợ xấu cao…

“Các công ty tài chính tiêu dùng đều thống nhất quan điểm cơ quan bảo vệ pháp luật trấn áp việc thu hồi nợ manh động hay đòi nợ kiểu xã hội đen là rất đúng, nhưng các công ty tài chính tiêu dùng quan ngại nhất là câu chuyện thu hồi nợ, bởi tỷ lệ chây ì trả nợ rất cao” – ông Hùng nói.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất hấp dẫn đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong khi các công ty tài chính tiêu dùng mới đạt được mức cho vay trên dưới 200 nghìn tỷ đồng. Để cho các công ty tài chính tiêu dùng phát triển, các doanh nghiệp cần rà soát đối tượng cho vay phù hợp; chiến lược cho vay gắn kết với chính quyền địa phương sẽ hạn chế được những đối tượng chây ì.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khach-hang-chay-i-lap-hoi-nhom-bung-no-cong-ty-tai-chinh-khong-dam-cho-vay-moi-post533942.antd