'Khách hủy đặt phòng là tốt'

'Khách đặt phòng rồi hủy hàng loạt sau khi nghe tin dịch. Thực ra hủy là tốt vì để dịch lây lan thì hậu quả còn nặng hơn', Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.

Đi qua chốt chống dịch cuối cùng tại chân núi Tam Đảo, tôi gặp một chiến sĩ công an lưng áo ướt đẫm vì nắng nóng. Anh chỉ cho tôi đường lên thị trấn trên đỉnh núi, còn nói vui: "Lên đó mát lắm, không muốn về đâu".

Đường lên Tam Đảo mát thật. Giữa tháng 5 nắng như đổ lửa, sườn núi rợp bóng những tán rừng thường xanh. Nếu không có dịch Covid-19, cảnh thường thấy là xe cộ từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc nối đuôi lên nghỉ mát tắc kín cả đường.

Du lịch mất trắng

Những ngày qua, trời vào hè nhưng cả cung đường lên núi không một bóng người. Lưng chừng dốc, một chiếc xe bồn chở bê tông ì ạch đề pa, đi tiếp một đoạn lại gặp một chiếc nữa. Mọi hoạt động tại khu du lịch sầm suất này đều đóng băng, trừ xây dựng.

 Quảng trường trung tâm thị trấn Tam Đảo không một bóng người. Ảnh: Ngọc Tân.

Quảng trường trung tâm thị trấn Tam Đảo không một bóng người. Ảnh: Ngọc Tân.

"Hôm 30/4, quán cà phê của tôi phục vụ không xuể. Khách cứ ồ ạt vào, nhân viên không làm kịp đồ uống, có khách còn không kiếm được chỗ ngồi", anh Nguyễn Văn Quý, quản lý quán Cà phê Mây (thị trấn Tam Đảo), nhớ lại.

Thế rồi đột ngột, du khách ồ ạt hủy tour vào ngày 1/5. Đến 2/5 thì toàn thị trấn dừng đón khách, nhà hàng khách sạn phải đóng cửa.

Người đàn ông nhẩn nha tưới nước cho mấy chậu cây trước cửa quán. Anh chép miệng tiếc nuối vì vừa bỏ gần 100 triệu đồng mua sắm cây cảnh trang trí quán. Cứ như thông lệ hàng năm, tầm này là bắt đầu bước vào cao điểm hè, du khách ùn ùn lên Tam Đảo.

Theo chia sẻ của chủ quán, kinh doanh quán cà phê tại Tam Đảo là "siêu lợi nhuận". Doanh thu trong đợt cao điểm du lịch hè có thể lên tới 40 triệu đồng/ngày. Trừ đi 10 triệu tiền vốn thuê mặt bằng, thuê nhân viên và nhập hàng, vẫn dư ra được 30 triệu.

"Giờ phải đóng cửa thì toàn bộ nguồn thu đó mất trắng. Tiền thuê mặt bằng quán thì vẫn mất khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Hợp đồng ký rồi, không có khách ngày nào là chết ngày đó", anh Quý chia sẻ.

 Tấm biển khổng lồ nhắc nhở thông điệp 5K được treo lên ngày 1/5. Ảnh: Ngọc Tân.

Tấm biển khổng lồ nhắc nhở thông điệp 5K được treo lên ngày 1/5. Ảnh: Ngọc Tân.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết Tam Đảo hơn 10 ngày qua như thị trấn hoang vì không chỉ du khách mà cả người lao động cũng rời đi hết.

Thực ra khách hủy đặt phòng là tốt vì để dịch lây lan thì hậu quả còn nặng hơn

Ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc

Du lịch mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, giúp tiêu thụ hàng hóa tại địa phương nên việc ngừng đón khách là một tổn thất lớn. Nhưng ông Niên coi đó là chuyện bình thường, phải chấp nhận trong hoàn cảnh dịch bệnh.

"Như khách sạn của tôi, khách đặt phòng rồi hủy hàng loạt sau khi nghe tin dịch ở Vĩnh Phúc. Thực ra hủy là tốt vì để dịch lây lan thì hậu quả còn nặng hơn", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.

Theo thống kê năm 2020, một năm ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, ngành du lịch Vĩnh Phúc vẫn đón bình quân 400.000 khách mỗi tháng. Tuy nhiên, những ngày qua, sản lượng khách trên toàn tỉnh là con số 0.

"Khó khăn nhưng vẫn phải kiên cường, tiếp tục chiến đấu và hy vọng. Bây giờ chống dịch là số 1, khi nào dịch qua rồi thì lại tính chuyện làm ăn", ông Niên nói.

Gắng giữ khu công nghiệp

"Từ lúc bùng dịch đến nay, bữa cơm nào chúng tôi cũng phải ngồi cách nhau 2 m, làm việc thì phải đeo khẩu trang. Được cái là năng suất công việc vẫn không bị giảm", anh Vũ Văn Cương, công nhân tại KCN Khai Quang, chia sẻ.

Doanh nghiệp anh Cương làm việc chuyên sản xuất linh kiện ôtô, xe máy và thiết bị y tế. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Vĩnh Phúc, các đơn hàng vẫn về đều. Mỗi tháng, nam công nhân thu nhập được hơn 10 triệu đồng.

 Công nhân khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) trong giờ tan ca. Ảnh: Ngọc Tân.

Công nhân khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) trong giờ tan ca. Ảnh: Ngọc Tân.

"Mức thu nhập tốt nên tôi cũng xác định làm lâu dài. Môi trường đông người thì cũng sợ dịch bệnh. Nhưng vẫn phải kiếm tiền chứ biết làm sao", anh Cương chia sẻ.

Với quy mô 9 khu công nghiệp, hàng trăm công ty và hàng chục nghìn công nhân trên toàn tỉnh, Vĩnh Phúc phải giải được yêu cầu vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh ngành du lịch đã đóng băng, việc duy trì hoạt động công nghiệp càng trở nên quan trọng.

Không thể dừng hoạt động các khu công nghiệp được. Phải thực hiện mục tiêu kép, vừa sản xuất, vừa chống dịch

Ông Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết các nhà máy, xưởng sản xuất đang giải quyết việc làm cho hơn 95.000 lao động.

"Thu ngân sách từ khu công nghiệp khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, chiếm 8-10% thu ngân sách toàn tỉnh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nằm ngoài phạm vi khu công nghiệp như nhà máy Honda, Toyota cũng đóng góp lớn vào ngân sách", ông Phương cho biết.

Từ đầu đợt dịch đến nay, số công nhân là F1, F2 phải nghỉ việc đã lên đến hàng nghìn người, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Ông Phương cho biết nhu cầu về người lao động tại các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc rất lớn. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong các KCN kiến nghị cho chuyên gia nhập cảnh vào Vĩnh Phúc để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh, việc giải quyết nhu cầu này đang phải tạm dừng.

 Công ty xe buýt Daewoo tại Khu công nghiệp Khai Quang vẫn đang mở rộng nhà xưởng trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Tân.

Công ty xe buýt Daewoo tại Khu công nghiệp Khai Quang vẫn đang mở rộng nhà xưởng trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Tân.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh để xảy ra lây lan dịch bệnh trong khu công nghiệp, Vĩnh Phúc đang áp dụng cơ chế báo cáo hàng ngày để kiểm soát dịch bệnh. Các doanh nghiệp phải báo tình hình phòng, chống dịch gửi về cho Ban quản lý các khu công nghiệp để tổng hợp.

Công nhân được yêu cầu đo thân nhiệt, khai báo y tế hàng ngày trước khi vào cơ quan công xưởng; giữ khoảng cách khi ăn uống, làm việc. Công nhân đi qua các chốt kiểm dịch thì phải có thẻ do công ty cấp.

Hiện, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã kiến nghị ngành y tế xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân từ tỉnh ngoài đến Vĩnh Phúc, các chuyên gia và các đối tượng có nguy cơ cao; khuyến khích xét nghiệm cho cả F2, F3...

"Không thể dừng hoạt động các khu công nghiệp được. Phải thực hiện mục tiêu kép, vừa sản xuất, vừa chống dịch", Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.

Ngày 13/5, Vĩnh Phúc ghi nhận thêm 5 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại Vĩnh Phúc lên 78 ca. Vĩnh Phúc hiện là tỉnh xếp thứ 5 cả nước về số ca mắc Covid-19 tính từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (xếp sau Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bắc Giang).

Cùng ngày 13/5, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc họp với nhóm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và yêu cầu họ phải xét nghiệm Covid-19 cho 100% công nhân. Trừ F1 được miễn phí, các trường hợp còn lại doanh nghiệp phải trả phí xét nghiệm. Tại cuộc họp, 100% doanh nghiệp đồng thuận với yêu cầu này.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khach-huy-dat-phong-la-tot-post1214552.html