Khách Mỹ ăn hủ tiếu thả dây, uống cà phê vợt ở TP.HCM

'Đi theo tiếng gọi con tim', Stephen Vũ chọn TP.HCM là điểm dừng chân. Tại đây, anh khám phá nhiều ngóc ngách, ngõ hẻm, trải nghiệm ẩm thực đậm chất địa phương.

Lạc bước vào một con ngõ nhỏ nằm trên đường Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận, TP.HCM), tôi lập tức bị thu hút bởi chiếc khay nhựa đỏ được thả dây đung đưa từ tầng trên xuống, trên khay là tô hủ tiếu nóng hổi, thơm phức. Tôi tò mò ngẩng đầu lên, thấy người phụ nữ lớn tuổi tóc lấm tấm bạc hiền hậu mỉm cười,

"Con chào bà", tôi cất tiếng.

"Chào con, ngồi ghế đi, ăn gì nói bà làm cho", người phụ nữ nói.

"Bà cho con tô hủ tiếu khô, không lấy xương, thịt nhé bà", tôi đáp lời.

Tôi là Stephen Turban, đến từ Mỹ, hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Mọi người còn biết đến tôi với tên gọi "anh Bảy" vì có lần tên tôi bị viết nhầm từ "Stephen" thành "Seven" - số 7. Ngoài ra, nếu bạn là fan của Sài Gòn Tếu, có thể bạn sẽ biết đến tôi với nghệ danh Stephen Vũ.

Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam vào năm 2017, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học. Khi ấy tôi chỉ dự định đến Việt Nam 2-3 tháng để học tiếng Việt "cho vui".

Nhưng đến đây, tôi bị choáng ngợp trước nguồn năng lượng tích cực, dồi dào của người Việt. Dường như ai trong họ cũng mang những hoài bão, luôn phấn đấu, nỗ lực lập nghiệp khiến tôi rất ấn tượng. Và rồi tôi bén duyên với một công việc giáo dục tại TP.HCM nên quyết định chuyển sang Việt Nam sống và lập nghiệp.

Người dân Việt Nam không những thân thiện mà còn hài hước, duyên dáng, họ thường "quăng những miếng hài" bất ngờ đầy thú vị. Đây cũng chính là nét văn hóa tôi rất thích khi được sống và làm việc ở TP.HCM.

Sống ở Việt Nam hơn 4 năm, tôi cũng thường cùng bạn bè khám phá, trải nghiệm nhiều món ẩm thực địa phương. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi biết đến món hủ tiếu thả dây này. Quán nép mình trong con hẻm rộng khoảng 4 mét, những chiếc bàn nhỏ được bày biện gọn gàng sát một bên hẻm, là nơi cho thực khách chờ nhận hủ tiếu rồi thưởng thức.

Được biết, hồi đầu bà bán hủ tiếu ở dưới đất, khách hàng phần lớn là những người dân sinh sống, qua lại trong con hẻm nhỏ. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, để thực hiện giãn cách xã hội, bà đặt bếp nấu trên lầu rồi bỏ tô hủ tiếu vào khay nhựa rồi dùng dây thả xuống cho khách. Người phụ nữ 70 tuổi cho biết đây cũng là cách bà tập thể dục mỗi ngày.

Vì bà đứng trên cao, để gọi món tôi phải nói to, nói rõ cho bà có thể nghe được. Khi thấy tôi là người nước ngoài, một vài bạn trẻ sợ tôi nói tiếng Anh bà không hiểu nên định đến phiên dịch. Khi đến gần, mọi người xung quanh tỏ ra rất bất ngờ khi thấy "trai miền 'Tây'" nói tiếng Việt bằng giọng Nam.

Sau khi gọi món, chờ tầm vài phút thì đến lượt tôi "nhận hàng". Từ trên cao, chiếc khay nhựa chầm chậm được thả xuống, mang theo bữa trưa của tôi.

Vốn là người không ăn thịt động vật nên phần hủ tiếu của tôi gồm sợi hủ tiếu và nước dùng. Học theo cách ăn của người bạn, tôi bắt đầu thử đồ ăn xem vừa miệng chưa cũng như cảm nhận được nguyên vị trước khi thêm các loại gia vị ăn kèm. Tôi đặc biệt thích cách người Việt ăn uống, tận hưởng hương vị món ăn qua từng chi tiết.

Trái với vẻ bề ngoài "nhạt nhẽo", món hủ tiếu thả dây có hương vị rất trọn vẹn. Sợi hủ tiếu dai, mềm được trộn với gia vị vừa miệng ăn cùng nước dùng đậm đà, ngọt thanh, mang đến sự kết hợp hoàn hảo.

Quán ăn này phục vụ 2 món chính đó là hủ tiếu khô và hủ tiếu nước, một phần đầy đủ có thịt, xương hoặc giò. Bên cạnh đó bà còn bán nui và bánh canh với cùng loại nước dùng này.

Trong con hẻm nhỏ, dòng người qua lại, tiếng cười nói xôn xao tạo nên nét văn hóa "hẻm" khá đặc trưng của Việt Nam.

Sau khi thưởng thức trọn vẹn bữa ăn, tôi di chuyển sang quán cà phê nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Được biết, quán cà phê này đã đi vào hoạt động được khoảng 70 năm, trải qua 3 thế hệ, quán mở cửa 24/7.

Không như những loại cà phê pha máy hoặc pha phin tôi thường thấy, cà phê nơi đây được pha bằng vợt vải khá thú vị. Khi khách gọi món, người bán nhanh tay liên tục nhúng chiếc vợt vải vào nước sôi để cà phê tiết ra hết tinh chất.

Thấy tôi hào hứng, chăm chú đứng nhìn, người pha chế đã cho tôi cơ hội trải nghiệm công việc này. Ban đầu tôi khá lúng túng vì để điều khiển chiếc vợt vốn không đơn giản như tôi từng nghĩ. Tập luyện thêm một chút, tôi đã có thể pha được một ly cà phê đơn giản mà không bị đổ ra ngoài.

Hương vị cà phê khá nhẹ, kết hợp với sữa đặc tạo nên vị ngọt ngào đặc trưng rất dễ uống, đặc biệt đối với người thường uống cà phê loãng như tôi.

Chọn cho mình một chỗ ngồi, tôi thưởng thức cà phê, ngắm dòng người qua lại. Vào mùa hè, TP.HCM thường đón những cơn mưa bất chợt, trời vừa nắng giờ phút chốc đã đổ mưa tầm tã khiến mọi người cuống cuồng, tất bật hơn.

Ngồi ở góc phố, thưởng thức cà phê, trò chuyện cùng bạn bè cho tôi phút giây yên bình, cảm giác thân thuộc như ở "nhà" tại một quốc gia cách quê hương mình gần nửa vòng Trái Đất.

Mỗi khi ra đường, tôi luôn mang theo bên mình một cuốn sổ tay nhỏ để có thể ghi lại những từ vựng mới, các câu ca dao tục ngữ, tiếng lóng và cả miếng hài mà mọi người sử dụng.

Sống ở Việt Nam càng lâu tôi càng yêu thêm đất nước này, từ con người, văn hóa, cảnh vật và cả ngôn ngữ. Việt Nam cho tôi những cơ duyên đặc biệt, tôi thường bảo tôi "đi theo tiếng gọi con tim" khi có người hỏi về lý do chọn TP.HCM là nơi sinh sống và làm việc.

Linh Huỳnh - Phương Lâm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khach-my-an-hu-tieu-tha-day-uong-ca-phe-vot-o-tphcm-post1489795.html