Khách Nhật thử món đặc sản béo ngậy ở Quy Nhơn, 3 bát hết 54.000 đồng
Không chỉ ấn tượng về hương vị, vị khách Nhật Bản còn ngỡ ngàng vì món đặc sản Quy Nhơn được bán với giá bình dân, 3 bát chỉ hết 54.000 đồng.
Papaken (SN 1989) là nhà sáng tạo nội dung người Nhật Bản, sống ở Hà Nội được khoảng 3 năm.
Trên kênh YouTube cá nhân với hàng trăm nghìn lượt theo dõi, Papaken thường xuyên chia sẻ video về trải nghiệm du lịch, ẩm thực ở một số tỉnh thành của Việt Nam mà anh có dịp ghé thăm.
Gần đây, trong video chia sẻ về chuyến du lịch Quy Nhơn cùng 2 con, Papaken giới thiệu một số món ăn địa phương đặc trưng mà bản thân có cơ hội thưởng thức như bánh xèo, gỏi cá trích…
Trong đó, bún tôm và bún rạm là 2 món mà cả 3 bố con vị khách Nhật Bản đều ấn tượng, hết lời khen ngon và ao ước ở Hà Nội cũng có bán.


Papaken cùng 2 con ghé quán bún tôm, bún rạm có tiếng ở Quy Nhơn
Địa điểm mà Papaken và 2 con ghé thăm để thưởng thức món bún rạm, bún tôm là 1 quán ăn bình dân nằm trên đường Trần An Tư, TP Quy Nhơn. Tại đây, anh gọi 1 bát bún tôm, còn 2 con thưởng thức bún rạm.
Khi đồ ăn được bưng lên, vị khách Nhật thấy tò mò với bún rạm, không biết trong khẩu phần có nguyên liệu gì vì “nhìn như thịt hoặc gạch cua”.
“Trông ngon quá”, Papaken thốt lên.


Món bún rạm và bún tôm mà 3 bố con người Nhật Bản thưởng thức
Với món bún tôm, anh nhận xét nước dùng có độ đặc sánh, vị ngọt thanh và bún được sử dụng là loại bún sợi nhỏ mà anh thích.
“Nước dùng khá giống cháo, còn thịt tôm có chút tiêu nên hơi cay. Theo cảm nhận riêng, mình thấy bún tôm ở đây có vị hơi nhạt”, anh nói.
Để món ăn đậm đà, vừa miệng, Papaken nêm thêm chút mắm, sa tế, hạt tiêu và rau thơm, khen hương vị thay đổi rõ rệt.
“Sau khi điều chỉnh vị, món bún tôm trở nên ngon hơn, ăn cùng rau sống lại có thêm độ giòn, thanh mát. Cảm giác có thể ăn hết 2 bát cũng được”, Papaken nêu cảm nhận.
Vị khách Nhật thưởng thức món bún tôm, khen nước dùng ngọt thanh
Vị khách Nhật Bản sau đó cũng nếm thử thêm bún rạm, khen mùi vị tươi ngon, “nước dùng giống súp ramen” (loại mì phổ biến ở Nhật Bản) và ước ở Hà Nội cũng có để thưởng thức.
Kaikun – con trai của Papaken cũng thừa nhận thích bún rạm hơn, sau khi đã thưởng thức vài miếng bún tôm. Cậu bé liên tục khen “ngon quá”, nhận xét gạch cua béo ngậy giống như món bún riêu từng được ăn.
Michan - con gái của Papaken thừa nhận bún rạm "ngon không tưởng"
Papaken chia sẻ, anh không chỉ ấn tượng về hương vị bún tôm, bún rạm mà còn ngạc nhiên vì 2 món đặc sản Quy Nhơn này có giá rất bình dân, chỉ 17.000 đồng/bát.
“Tuy lượng đồ ăn hơi ít nhưng vừa đủ cho bữa sáng. 3 bát mới hết 54.000 đồng”, anh bày tỏ.
Chia sẻ với PV, anh Hữu Hoàng – chủ quán ăn mà bố con Papaken ghé thăm cho biết, bún tôm và bún rạm là hai món ăn đặc trưng, gắn liền với người dân khu vực đầm Trà Ổ (đầm Châu Trúc), huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Lâu dần, 2 món này được biết đến và bày bán rộng rãi hơn, ở cả TP Quy Nhơn và một số khu vực trên địa bàn tỉnh.

Quán vẫn giữ cách chế biến truyền thống để món bún tôm, bún rạm dậy hương vị tự nhiên, hạn chế dầu mỡ và ai cũng có thể thưởng thức. Ảnh: Bún tôm - rạm Đầm Trúc
Anh Hoàng cho hay, bún rạm và bún tôm của quán đều sử dụng nguyên liệu chủ đạo là tôm đất và rạm được đánh bắt từ đầm Trà Ổ, chế biến đơn giản, dùng ít gia vị và món ăn kèm không cầu kỳ.
Tôm đất sau khi làm sạch được đem giã nhuyễn thành chả. Khi khách gọi món, quán lấy nước luộc bún đánh cho tôm chín đều, rồi nêm ít mắm muối cho vị vừa vặn và rắc ít hành ngò.
“Bát bún muốn ngon phần lớn là nhờ vào độ tươi ngon của con tôm, cộng thêm vị ngọt nhẹ của nước luộc bún làm cho món ăn có hương vị thanh đạm, dễ ăn”, anh Hoàng nói.

Bún rạm thoạt nhìn giống bún riêu nhưng hương vị hoàn toàn khác vì sử dụng ít gia vị, món ăn kèm không cầu kỳ. Ảnh: Bún tôm - rạm Đầm Trúc
Riêng món bún rạm, cách chế biến tương tự như bún riêu nhưng đơn giản hơn. Rạm được làm sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước rồi đun lên. Món này gần như không nêm quá nhiều gia vị hay đồ ăn kèm để giữ nguyên vẹn mùi thơm và vị béo ngậy.
Tại quán, món bún rạm phục vụ kèm rau sống và bánh tráng. Khi ăn, khách có thể nêm thêm nước mắm, sa tế, hạt tiêu… tùy nhu cầu để món ăn tròn vị và phù hợp với sở thích cá nhân hơn.