'Khách sạn ngàn sao' của người vô gia cư
Suốt những ngày nắng nóng đỉnh điểm ở thủ đô Hà Nội, cuộc sống của những người vô gia cư vốn chưa bao giờ dễ dàng giờ lại khó khăn gấp bội.
Ðời buồn bên hồ Tây lộng gió
0 giờ 30 ngày 24/6, ghế đá trên đường Thanh Niên, cạnh hồ Tây, một người đàn ông đang gói ghém đồ đạc vào túi ni lông, buộc vào thành ghế đá, chuẩn bị bước vào giấc ngủ. Thấy có người đến hỏi chuyện, ông vui vẻ nhận lời. Trong câu chuyện, chúng tôi biết được ông là Nguyễn Văn Minh (58 tuổi), đến từ Giao Thủy, Nam Định.
Ông Minh lên Hà Nội mưu sinh đã được 6 năm. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, thời tiết giá lạnh hay nóng bức, cứ 6 giờ sáng ông lại hòa mình vào dòng người đang tất bật mưu sinh, 23 giờ đêm lại tìm chỗ ngủ. Đến Thủ đô, ông Minh trải qua rất nhiều nghề như phụ hồ, đạp xích lô, đánh giày và giờ là thợ cắt tóc.
Ông Minh kể, ngày trước, ông có một cửa hàng cà phê ở Nam Định. Vì những khúc mắc trong gia đình, bị người em lừa bán mất mảnh đất, ông thành người vô gia cư. Chán nản, ông bỏ quê lên Thủ đô kiếm sống. Nghề cắt tóc dạo chỉ giúp ông đủ ăn ngày 3 bữa. Không có tiền nên ông chi li tới từng đồng tiền lẻ chi tiêu.
“Lúc mới lên Hà Nội tôi cũng thuê phòng để có chỗ nghỉ ngơi, nhưng thu nhập ngày càng giảm, thuê phòng to không đủ tiền, phòng nhỏ lại bí bách nên lại thôi. Thuê nhà ban ngày có ở đâu, ban đêm ngủ một lúc thì phí lắm”, ông Minh nói.
Không thuê phòng trọ nên theo ông Minh cứ “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”, không nề hà gì. “Ngày mưa tôi chọn hiên nhà dân để ngủ nhờ. Đợt này nắng, nằm vỉa hè không ngủ được đành tìm ra đây. Gió hồ Tây mát lạnh, không khác gì đang ngủ ở phòng điều hòa”, ông Minh dí dỏm.
Đi tiếp con đường Thanh Niên, có vài cảnh đời như ông Minh lựa chọn những chiếc ghế đá cạnh hồ Tây để ngủ. Ông Vũ Đình Sơn lên Hà Nội sinh sống được 20 năm, quần quật làm ăn vẫn không đủ tiền thuê nổi một căn nhà. Đang dở dang câu chuyện, ông Sơn nói. “Đừng tụ tập ở đây đông quá, công an đi tuần tra suốt, đi đi nếu không tôi cũng chẳng có chỗ ngủ đâu”.
Vỉa hè phố Bà Triệu, 23h00 ngày 25/6, mẹ con chị Thanh đang trải tấm chiếu mỏng chuẩn bị đi ngủ. Gần 2 năm lên Hà Nội, mẹ con chị phải lang bạt khắp nơi. Ngày nhặt ve chai, đêm lại cảnh màn trời chiếu đất. Thu nhập mỗi ngày chỉ được dăm chục nghìn đồng nên bữa ăn của họ chỉ bánh mì, cháo hoặc hôm nào sang lắm được gói xôi thịt. “Ở quê chẳng có gì làm, lên phố lang thang khắp nơi bán hàng rong, tôi lại về vỉa hè ngủ chứ cũng không có tiền thuê nhà trọ”.
Góc phố đường Phan Đình Phùng (đối diện bốt hàng Đậu) gần 4 năm qua là “ngôi nhà” của ông Nguyễn Đăng Sinh. Ngồi thu mình giữa những vật dụng đơn sơ, một túi đựng quần áo, vài chai nước, một cái giỏ đựng bát đĩa và một chiếc máy cắt khóa để mưu sinh, ông Sinh cứ lặng lẽ nhìn ngắm trời đất, mong thời gian trôi.
Hà Nội nắng đỉnh điểm, hơi nóng từ lớp nhựa đường, bê tông vỉa hè khiến cuộc sống của ông Sinh càng vất vả. Thương tình, một hộ dân gần đó cho ông kéo điện, mượn cây quạt cũ.
Ngồi bệt xuống chiếc ghế nhựa, vừa sắp xếp lại “hàng hóa” của mình, vừa phì phèo điếu thuốc mới châm, ông Sinh nói. “Tôi cố gắng làm việc nhưng vẫn trong cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, chẳng dư được đồng nào để thuê phòng trọ.
Thi thoảng cũng phải gửi về quê cho con nên đành chấp nhận cảnh ở ngoài đường. Ngày mát thì còn đỡ, chứ mấy hôm nay khó ngủ yên được vì quá nóng. Chỉ mong sao không bị đau ốm, vì nếu vậy sẽ thực sự lâm vào đường cùng”.
Ngoài nắng nóng, ông Sinh và những người vô gia cư còn có một nỗi lo khác. Không sẵn sàng giấy tờ tùy thân, không họ hàng thân thích, họ bị kiểm tra thường xuyên, phải liên tục đổi chỗ nghỉ, nhiều lần đối diện với những nguy hiểm, bởi đối mặt với nghiện ngập, hút chích, trộm đồ, trộm tiền.
Bán trà đá, ngủ công viên nuôi con đại học
Cách đây 3 năm, bà Lê Thị Nguyệt rời quê Tĩnh Gia (Thanh Hóa) ra Hà Nội nuôi con học đại học. Ban ngày lang thang khắp phố phường nhặt nhạnh vỏ nhựa, giấy rác, túi nilông…, đêm xuống ngủ dưới gầm cầu, chỉ mong đời con được học hành tử tế, không khổ như bố mẹ.
Bà Nguyệt kể, mình không còn nhớ đã “ngủ trộm” ở bao nhiêu địa điểm. Những hôm mưa to, người ướt sạch, ngày nắng vật vờ, đến gần sáng mới chợp nổi mắt. “Ngả lưng với điều kiện như thế thì không ai nghĩ mình có thể ngủ được. Không có điện, không đèn, không quạt… Tất cả chỉ nhờ vào khí trời.Tôi từng rất cơ cực, từng khóc lóc nhiều nhưng không thể buông xuôi. Nghĩ đến con, tôi quyết tâm, từ khi ra đi. Và từ đó, làm ở đâu, tôi cũng đều nín nhịn, chịu nhục chỉ để con được học hành đến nơi đến chốn”, bà Nguyệt trần tình.
Sức khỏe giảm sút, không thể đi lại nhiều, bà quyết định mở một quán trà đá gần vườn hoa Hà Đông, quận Hà Đông để kiếm sống. Nói là quán, nhưng đồ đạc chỉ là mấy chiếc ghế nhựa bé, vài cái phích nước, chục cái cốc, gói hạt hướng dương… được xếp ngay ngắn trong chiếc xe đẩy.
“Bán nước cũng có đồng ra đồng vào, nhưng để tiết kiệm tiền, tôi ngủ luôn tại đây. Ngoài này nóng, nhưng vẫn hơn phòng trọ. Từ 1 giờ trở đi là dịu hẳn, vẫn có thể ngủ được. Tôi cố gắng thêm một thời gian, con ra trường có việc làm, sẽ đỡ vất vả hơn”, bà Nguyệt nói.
Ðêm Hà Nội vắng lặng, nhiều ngày tác nghiệp trên những con phố dài hun hút, chúng tôi không khó để bắt gặp những con người nghèo khổ đang phải oằn mình chống chọi với cái nóng đỉnh điểm. Khu vực chợ Ðồng Xuân, ga Hà Nội, đường Thanh Niên, các cây ATM... là nơi tập trung đông nhất những người nghèo khó. Họ đang cố gắng từng ngày để mơ về một tương lai tốt đẹp hơn.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/khach-san-ngan-sao-cua-nguoi-vo-gia-cu-1681676.tpo