Khai hội 'Ná nhèm' rước sinh thực khí nam - nữ
Sáng 24-2, tức rằm tháng Giêng, hàng ngàn người dân và du khách đã tham dự lễ hội 'Ná nhèm' ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Mặc dù trời lạnh (9-10 độ C vào sáng sớm) nhưng đã tạnh mưa nên không ảnh hưởng tới lễ hội độc đáo này.
Theo người dân bản địa, “Ná nhèm” là tiếng Tày, có nghĩa là “mặt nhọ”, “làm nhọ mặt”. Điểm đặc sắc của lễ hội này là màn rước sinh thực khí nam (tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt) từ đình về miếu với ý nghĩa là ước mong sinh sôi nảy nở.
Sau thời gian dài bị mai một và ngưng trệ, đến năm 2012, lễ hội "Ná nhèm" đã được người dân địa phương cùng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cùng nhau phục dựng.
Đến năm 2015, lễ hội "Ná nhèm" đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
Trước đây, các linh vật sinh thực khí nam - nữ để rước được làm nhỏ, mang tính “trừu tượng”. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, lễ hội đã có sự cải tiến táo bạo, làm linh vật “tàng thinh” có kích thước to bất thường và giống như thật (tương tự hình ảnh linh vật tại một lễ hội ở Nhật Bản).
Lễ hội "Ná nhèm" ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn cách TP Lạng Sơn gần 100km về phía Tây và cách Hà Nội khoảng 150km về phía Bắc.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khai-hoi-na-nhem-ruoc-sinh-thuc-khi-nam-nu-post727966.html