Khai hội Xuân Yên Tử năm 2025
Lễ hội Xuân Yên Tử kéo dài trong 3 tháng, là một trong những lễ hội Xuân lớn và kéo dài nhất cả nước
Sáng 7-2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra lễ Khai hội Xuân Yên Tử năm 2025.
![Chương trình biểu diễn nghệ thuật Khai hội Xuân Yên Tử Xuân Ất Tỵ năm 2025](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_15_51419347/dd9cc54dfc03155d4c12.jpg)
Chương trình biểu diễn nghệ thuật Khai hội Xuân Yên Tử Xuân Ất Tỵ năm 2025
Lễ khai hội Xuân Yên Tử là hoạt động văn hóa thường niên được tổ chức vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Đây là Lễ hội quan trọng tại Quảng Ninh, mở màn cho 3 tháng hội xuân, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Năm nay, Lễ khai hội Xuân Yên Tử truyền thống được tổ chức theo hướng trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, phần lễ khai hội với các nghi thức, như: Gióng trống, thỉnh chuông khai hội; các nghi lễ tâm linh (dâng lễ, lễ cầu Quốc thái dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử).
Đặc biệt, nghi lễ rước kiệu năm 2025 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của 11 đội kiệu từ các địa phương thuộc TP Uông Bí và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, đã mang đến một lễ hội khai xuân long trọng và đậm đà bản sắc văn hóa Việt.
![Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làm lễ đóng dấu thiêng Yên Tử](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_15_51419347/ba19a7c89e8677d82e97.jpg)
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làm lễ đóng dấu thiêng Yên Tử
Lễ rước kiệu xuất phát từ cổng Khai Tâm, đi qua Quảng trường Minh Tâm và tiến vào Cung Trúc Lâm. Đi đầu đoàn rước là Đôi Rồng, đội Bát âm, Bát bửu, cùng các đoàn cờ Phật giáo, cờ hội và 11 kiệu rước. Mỗi kiệu có từ 16 đến 20 người khiêng, theo sau là các đại biểu, sư thầy, đại diện cơ sở tôn giáo và người dân tham gia.
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, Hội Xuân Yên Tử năm nay có các hoạt động văn hóa đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương Yên Tử; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử, ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử...
Điểm mới trong khuôn khổ chương trình Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2025 là có sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương, của tỉnh, với sự xuất hiện của một số ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam.
![Nghi lễ rước kiệu từ cổng Khai Tâm vào Cung Trúc Lâm Yên Tử](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_15_51419347/5b9947487e069758ce17.jpg)
Nghi lễ rước kiệu từ cổng Khai Tâm vào Cung Trúc Lâm Yên Tử
![Đông đảo tăng ni, Phật tử trong và ngoài tỉnh đến tham dự khai hội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_15_51419347/2b0b34da0d94e4cabd85.jpg)
Đông đảo tăng ni, Phật tử trong và ngoài tỉnh đến tham dự khai hội
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông.
Sau đó, Phật hoàng từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt.
Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khai-hoi-xuan-yen-tu-nam-2025-196250207125751592.htm