Khái lược Phật giáo Afghanistan

Chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan đã thể hiện sự quan tâm đến việc bảo tồn di sản Phật giáo của đất nước họ, công nhận tầm quan trọng về mặt lịch sử và văn hóa của họ.

Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: ibcworld.org

Mở đề

Đạo Phật - một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, đã có những giai đoạn hiện diện đáng kể ở Afghanistan. Mặc dù tỷ lệ dân số theo đạo Phật rất khiêm tốn ở quốc gia này, nhưng sự ảnh hưởng của của đạo Phật vẫn tồn tại rõ ràng thông qua hệ thống di sản các di tích văn hóa và lịch sử rải rác khắp đất nước Afghanistan.

Tại Afghanistan, đạo Phật gắn liền với lịch sử phong phú, nhiều tông phái Phật giáo, lễ hội và Thánh điển Phật giáo.

Afghanistan cũng có rất nhiều cơ sở tự viện và cơ sở giáo dục Phật giáo nổi tiếng, các tổ chức chính phủ công nhận ở Afghanistan cũng đã có những dự án hỗ trợ bảo tồn các di sản Phật giáo.

Lịch sử

Đạo Phật ở Afghanistan có nguồn gốc từ thời Đế quốc Maurya, một thế lực hùng mạnh trải rộng trên một diện tích rộng lớn vào thời Ấn Độ cổ đại, do vương triều Maurya cai trị từ năm 321-185 trước Tây lịch, khi Hoàng đế vĩ đại nhất của Ấn Độ thời cổ đại, trị vì vương triều Maurya từ những năm 273- 232 trước Tây lịch, vị Thánh vương Hộ trì Phật pháp, Đại Đế Ashoka công cử các vị tăng sĩ tài đức, những vị Sứ giả Như Lai truyền bá giáo lý Phật giáo.

Đến thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, đạo Phật khẳng định vị thế vững chắc trong khu vực, đặc biệt hưng thịnh và đã giúp xây dựng Đế quốc Kushan (30-375 sau Tây lịch), một quốc gia thịnh trị phú cường.

Thành phố cổ Bamiyan, Thánh tích Phật giáo ở Afghanistan, nổi tiếng với những pho tượng Phật khổng lồ được chạm khắc trên vách đá, đã trở thành trung tâm quan trọng của nền văn hóa học thuật Phật giáo. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Hồi giáo vào thế kỷ thứ 7, đạo Phật dần suy tàn cho đến thế kỷ 12, Hồi giáo từng bước phát triển tại Afghanistan cho đến ngày nay.

Vương quốc chính là Gandhāra và Bactria. Gandhāra bao gồm các khu vực của cả hai phía Punjab của Pakistan và Afghanistan thuộc đèo Kyber và trung tâm Jalalabad của tỉnh Nangarhar ở phía đông Afghanistan.

Nguồn: st

Nguồn: st

Các Tông phái

Về mặt lịch sử, Afghanistan là nơi giao thoa của nhiều tông phái Phật giáo khác nhau. Hai truyền thống chính của Phật giáo phát triển mạnh là Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda Buddhist) và Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhist).

Phật giáo Đại thừa, với các thực hành và trường phái triết học đa dạng, phong phú, đặc biệt nổi bật. Khu vực này cũng chứng kiến sự hưng thịnh của các trường phái độc đáo như trường phái Phật giáo Sarvāstivāda (Nhất thiết Hữu bộ, सर्वास्तिवाद) và trường phái Phật giáo Lokottaravāda (Xuất Thế bộ, लोकोत्तरवाद), góp phần tạo nên bức tranh phong phú về tư tưởng và thực hành Phật giáo Afghanistan cổ đại.

Lễ hội

Vào thời kỳ đỉnh cao, các lễ hội Phật giáo ở Afghanistan rất sôi động và được tổ chức rộng rãi. Đại lễ Vesak (hay Vesak), kỷ niệm 3 sự kiện lớn trong đời Đức Phật: Đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn là một trong những lễ hội quan trọng nhất.

Một lễ hội quan trọng khác là Ngày uposatha (lễ Bố tát-Thuyết giới) được ấn định là ngày rằm và cuối tháng theo âm lịch nhằm vun bồi đạo đức thanh cao, tập trung vào thiền định và tuân thủ giới luật đạo Phật. Những lễ hội này không chỉ phục vụ mục đích tôn giáo mà còn thúc đẩy ý thức cộng đồng giữa những người phật tử.

Thánh điển Phật giáo

Thánh điển Phật giáo ở Afghanistan chủ yếu được ghi chép bằng Phạn ngữ và tiếng Prakrit (Māgadhī), một ngôn ngữ Ấn-Arya trung cổ bản địa, thay thế tiếng Phạn Vệ Đà trước đó ở các khu vực trong tiểu lục địa Ấn Độ. Các văn bản quan trọng bao gồm Tam tạng Thánh điển Phật giáo (Tripitaka, त्रिपिटक), Luật Tạng (Vinaya Pitaka), Kinh Tạng (Sutta Pitaka) và Luận tạng (Abhidhamma Pitaka), tạo thành cốt lõi của kinh điển Phật giáo Nguyên thủy.

Các văn bản Phật giáo Đại thừa như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Puṇdạrīka Sūtra), Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Maha Prajnã̄ Pāramitā Hridaya Sūtra) và Kinh Đại Sự (Mahāvastu), một tài liệu của bộ phái Lokottaravāda, được mô tả chính nó như là tài liệu lịch sử cho các giới luật Phật giáo (vinaya) đã từng rất phổ biến.

Việc phát hiện bản thảo Bamiyan đô thị Phật giáo thịnh vượng, một bộ sưu tập các văn bản Phật giáo cổ đại, đã cung cấp những hiểu biết vô giá về nền văn học Phật giáo từng phát triển mạnh mẽ tại Afghanistan cổ đại.

Những cơ sở tự viện, cơ sở giáo dục Phật giáo nổi tiếng

Afghanistan là nơi có nhiều cơ sở tự viện Phật giáo nguy nga tráng lệ. Trong số đó nổi tiếng nhất là các tượng Phật tại Bamyan, hai pho tượng Phật khổng lồ được chạm khắc trên vách đá ở thung lũng Bamiyan. Những bức tượng Đại Phật thế kỷ thứ 6 được khắc sâu vào núi đá ở thung lũng Bamyan, thuộc vùng núi Hazarajat, trung tâm Afghanistan, đã bị Taliban phá hủy vào năm 2001 nhưng vẫn mãi là biểu tượng của di sản Phật giáo Afghanistan.

Chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan đang nỗ lực khôi phục những bức tượng Đại Phật. Một dự án cùa UNSECO khởi xướng do Cộng hòa Italia tài trợ trị giá hàng triệu USD.

Một địa điểm đáng quan tâm khác là Tepe Sardar, một tu viện Phật giáo cổ ở gần Ghazni, Afghanistan, từng là trung tâm học thuật Phật giáo quy mô.

Địa điểm Mes Aynak là một di tích Phật giáo 2600 năm tuổi ở tỉnh Logar, Afghanistan, đây là nơi chứa các di tích khảo cổ học cổ đại và một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới, hiện đang khai quật, đã phát hiện ra nhiều ngôi bảo tháp và tu viện, làm sáng tỏ sự hiện diện quy mô của Phật giáo trong khu vực.

Trạng thái hiện tại

Ngày nay, ở Afghanistan dân số theo đạo Phật hầu như không còn nữa. Tuy nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan ngày nay vẫn là địa chỉ của các di tích khảo cổ và lịch sử quan trọng đối với Phật giáo. Những nỗ lực đang được tiến hành để bảo tồn và bảo vệ các di sản đạo Phật, bất chấp những thách thức do bất ổn chính trị và xung đột gây ra. Các tổ chức quốc tế và chính quyền địa phương đang hợp tác để ghi chép và bảo tồn những gì còn sót lại của quá khứ Phật giáo ở Afghanistan.

Các tổ chức được Chính phủ Công nhận

Hiện tại, Chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan đã thể hiện sự quan tâm đến việc bảo tồn di sản Phật giáo của đất nước họ, công nhận tầm quan trọng về mặt lịch sử và văn hóa của họ. Bộ Thông tin và Văn hóa Afghanistan giám sát việc bảo tồn các địa điểm khảo cổ, bao gồm cả những địa điểm có nguồn gốc đạo Phật. Các hoạt động hợp tác quốc tế với UNESCO và các tổ chức di sản khác nhằm mục đích bảo vệ và khôi phục các địa điểm quan trọng.

Những nỗ lực này nhấn mạnh cam kết công nhận và bảo tồn di sản lịch sử Phật giáo đa dạng của Afghanistan, đảm bảo rằng các thế hệ tương lai có thể đánh giá cao bức tranh phong phú của quá khứ. Bảo tàng Quốc gia Afghanistan ở Kabul đã nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Hoa Kỳ để khôi phục một số hiện vật bị phá hủy.

Chính quyền hiện tại ở thủ đô Kabul đã nhận ra rằng, việc bảo tồn văn hóa nghệ thuật và di sản Phật giáo, chắc chắn sẽ nâng cao hình ảnh của Afghanistan trên trường quốc tế.

Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: ibcworld.org

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/khai-luoc-phat-giao-afghanistan.html