Khai mạc Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới lần thứ 43 tại Quảng Ninh
Ngày 5/8, tại Quảng Ninh, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế 'Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa'.
Tuyên ngôn Hạ Long
Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) là sự kiện quốc tế được tổ chức thường niên, nhằm thúc đẩy giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông toàn cầu.
Năm nay, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban chấp hành WFUCA lần thứ 43 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).
Tuyên ngôn Hạ Long - Bản tuyên ngôn cam kết thúc đẩy các mô hình kinh tế trên cơ sở công bằng và bền vững, nâng cao chất lượng sống của mọi thành viên cộng đồng; ủng hộ các chính sách kinh tế thân thiện với môi trường và xã hội, đảm bảo rằng sự phát triển không gây hại đến các thế hệ tương lai; bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hóa, thúc đẩy những sáng kiến biến các di sản này thành tài sản phục vụ cho sự phát triển và gia tăng hạnh phúc của nhân loại; tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng văn hóa, coi việc thấu hiểu và tôn trọng giữa các nền văn hóa là tiền đề của hòa bình và thịnh vượng.
Tại hội nghị, các quốc gia thành viên của WFUCA tập trung thảo luận về vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế và bảo tồn di sản văn hóa. Bên cạnh đó, thống nhất và đưa ra Tuyên ngôn Hạ Long về "Kinh tế sáng tạo - Kết nối văn hóa vì hòa bình và Phát triển bền vững"...
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Phong trào UNESCO phi chính phủ với gần 5.000 hiệp hội và câu lạc bộ UNESCO trên toàn thế giới cũng đã và đang đóng góp vào sự phát triển công nghiệp văn hóa.
Không chỉ đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các quốc gia, phong trào UNESCO còn đóng vai trò như cầu nối giữa các nền văn hóa khác nhau, từ đó tạo điều kiện cho sự trao đổi, giao lưu và chia sẻ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Bằng các hoạt động có sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, phong trào UNESCO giúp quảng bá và nâng cao nhận thức về sự đa dạng văn hóa trên phạm vi toàn cầu, tạo cơ hội để các sản phẩm văn hóa độc đáo, mang bản sắc địa phương có thể tiếp cận và tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế...
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam
Trong khuôn khổ Hội nghị Ban chấp hành WFUCA lần thứ 43, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đồng thời tổ chức Hội nghị quốc tế "Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa".
"Bằng việc tổ chức hội nghị quốc tế lần này tại TP Hạ Long - nơi có Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được UNESCO 3 lần vinh danh và nhân dịp năm 2024 là năm kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long lần đầu được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (1994), Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam mong muốn góp phần khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với các mục tiêu của UNESCO. Đồng thời coi đây là một đóng góp với phong trào UNESCO phi chính phủ, với cộng đồng và là trách nhiệm đối với đất nước và quốc tế", ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam khẳng định.
Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp và cá nhân trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam theo hướng bền vững, sáng tạo, bảo vệ bản sắc và sự đa dạng văn hóa.
Nếu không xác định được tài sản văn hóa, quá trình "đô thị hóa", "bê tông hóa" và các đánh đổi tăng trưởng trước mắt có thể sẽ khiến nhiều di sản mất đi vĩnh viễn...
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Trong chiến lược của chính phủ, văn hóa được xác định là một mũi nhọn kinh tế. Đây là một thực tế mới, đòi hỏi mỗi người dân và nhà quản lý đều phải thay đổi tư duy. Trong nhiều thập kỷ, những chủ trương “công nghiệp hóa” và “hiện đại hóa” thường được gắn với các ngành công nghiệp, xây dựng. Nhưng khi văn hóa là một mũi nhọn, chúng ta phải xem xét lại cả một quá trình, vì có những giá trị văn hóa khi đã đánh đổi, không thể lấy lại.
Ông Lê Quốc Minh bày tỏ hy vọng, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, các hiệp hội và câu lạc bộ UNESCO quốc tế sẽ cùng hợp sức với chính quyền và nhân dân Việt Nam trong việc tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo, tạo tiền đề cho phát triển.