Khai mạc Hội nghị Điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 13 tại tỉnh Quảng Bình

Hội nghị Điều Quốc tế Việt Nam 2024 nhằm nắm bắt thông tin, kết nối giao thương và bàn luận những giải pháp cho phát triển và bền vững của mỗi doanh nghiệp, ngành điều mỗi nước và ngành điều toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Phạm Văn Công phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Phạm Văn Công phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Sáng 27/2, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức khai mạc Hội nghị Điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 13 năm 2024.

Đây là sự kiện thường niên đã trở thành “Điểm hẹn vàng” của ngành điều toàn cầu, có sự tham gia của các doanh nhân đến từ hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trong chuỗi cung ứng điều toàn cầu.

Hội nghị nhằm nắm bắt thông tin, kết nối giao thương và bàn luận những giải pháp cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của mỗi doanh nghiệp, của ngành điều mỗi nước và của ngành điều toàn cầu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết năm 2022 và 2023, chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó có ngành điều đang dần hồi phục sau đại dịch COVID-19, bên cạnh những di chứng nặng nề của đại dịch, kinh tế-xã hội thế giới lại bị tác động lớn của cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas. Lạm phát cao trên toàn cầu, Ngân hàng Trung ương các nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, kinh tế thế giới đình trệ, sức mua của người tiêu dùng suy giảm.... đã tác động mạnh tới ngành điều Việt Nam và thế giới.

Giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam vốn đã giảm nhiều trong những năm trước, lại tiếp tục giảm xuống thấp trong năm 2023. Giá điều nhân của các nước sản xuất lớn khác như Ấn Độ, Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà), Brazil cũng giảm mạnh. Trong khi đó, giá điều thô tuy cũng giảm, nhưng mức giảm chậm hơn nhiều so với điều nhân mặc dù sản lượng điều thô tăng mạnh. Điều này không chỉ xảy ra trong năm 2023 mà đã có từ những năm trước. Nguyên nhân không chỉ ở sự tranh mua đầu vụ của các nhà chế biến mà còn là do một số nước quy định giá xuất khẩu tối thiểu; áp thuế và nhiều loại phí đối với điều thô xuất khẩu.

 Người dân Bình Phước thu hoạch điều. (Ảnh: K GƯỈH/TTXVN)

Người dân Bình Phước thu hoạch điều. (Ảnh: K GƯỈH/TTXVN)

Theo ông Phạm Văn Công, giá thành cao hơn giá bán đã khiến cho hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nhân Việt Nam và các nước bị thua lỗ hoặc không có lợi nhuận. Không ít nhà chế biến đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm sản lượng. Nguy cơ đóng cửa hàng loạt đang cận kề. Giá điều nhân liên tục giảm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà nhập khẩu khiến cho họ ít dám ký mua xa như trước đây mà chủ yếu ký giao hàng gần với thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của cả điều thô lẫn điều nhân có biểu hiện đáng lo ngại như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và độ ẩm cao của điều thô; việc pha trộn điều thô vụ cũ với vụ mới; việc nhiễm côn trùng trong nhân điều của một số nhà máy...

Việt Nam là trung tâm của chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu vì nhập khẩu tới gần 65% sản lượng điều thô của thế giới và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu. Do vậy, nếu xảy ra tình trạng đóng cửa hàng loạt các nhà máy chế biến, chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu sẽ bị đứt gãy dẫn tới điều nhân trên thị trường bị thiếu hụt và điều thô sẽ dư thừa. Từ đó, sẽ gây ra thiệt hại chung cho toàn chuỗi cung ứng hạt điều và dẫn tới nhiều hệ lụy, mà nguy cơ lớn nhất là nông dân ở nhiều quốc gia sẽ bỏ bê cây điều do không tiêu thụ được điều thô. Ngoài ra, nếu nông dân thờ ơ với cây điều, sẽ ảnh hưởng rất lớn về lâu dài tới chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu.

 Các doanh nhân đến từ hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trong chuỗi cung ứng Điều toàn cầu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Các doanh nhân đến từ hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trong chuỗi cung ứng Điều toàn cầu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Phạm Văn Công cho rằng để ổn định lại ngành điều Việt Nam và thế giới, Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 sẽ là nơi đưa ra các giải pháp giúp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu. Tại hội nghị, các đại biểu sẽ có những phát biểu ý kiến thẳng thắn mang tính xây dựng, hợp tác và đoàn kết về thực trạng của chuỗi cung ứng điều toàn cầu hiện nay; những điểm mạnh, điểm yếu; những vấn đề cần khắc phục và nên khắc phục nhằm phù hợp với tình hình và xu thế phát triển.

“VINACAS mong muốn, các tổ chức quốc tế liên quan đến ngành điều và Hiệp hội Điều các nước cùng VINACAS bàn bạc các nội dung hợp tác và chung tay xây dựng chuỗi cung ứng. Mục tiêu để toàn bộ chuỗi cung ứng được vận hành một cách suôn sẻ, hài hòa được lợi ích của tất cả các bên, từ nông dân trồng điều, nhà thương mại điều thô, các nhà chế biến, xuất khẩu điều nhân tới các nhà rang chiên, bán lẻ điều nhân.... Từ đó, duy trì được sự phát triển ổn định, bền vững của chuỗi cung ứng điều toàn cầu cho năm 2024 và những năm tiếp theo,” ông Phạm Văn Công nhấn mạnh.

Trong phiên khai mạc sáng ngày 27/2, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa Hiệp hội Điều Việt Nam và Hiêp hội Điều các nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khai-mac-hoi-nghi-dieu-quoc-te-viet-nam-lan-thu-13-tai-tinh-quang-binh-post929670.vnp