Khai mạc Hội nghị Mạng lưới thông tin tín dụng châu Á lần thứ 3
'Đây là cơ hội để chúng ta thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm và bài học quý báu về quản lý, vận hành cơ quan thông tin tín dụng (TTTD) công lập, thúc đẩy hoạt động trao đổi TTTD xuyên biên giới và cập nhật xu hướng mới về ứng dụng CNTT trong hoạt động để đáp ứng được yêu cầu của các dịch vụ ngân hàng mới trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất nhanh như hiện nay', Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Ngày 19/9/2019, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tổ chức Hội nghị mạng lưới TTTD châu Á lần thứ 3 - ACRN3.
Tham dự hội nghị có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh; TS. Hyunjoon Shin, Chủ tịch Mạng lưới báo cáo tín dụng châu Á, Chủ tịch Dịch vụ TTTD Hàn Quốc; đại diện cấp cao của các nột số ngân hàng trung ương các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên ACRN; các tổ chức TTTD thành viên trong khu vực châu Á; các chuyên gia, diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo một số TCTD lớn tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc ACRN 3, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống và làm việc trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, việc tự do hóa thương mại và đầu tư đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế và tạo động lực thúc đẩy các nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, minh bạch trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại, việc phát triển hệ thống TTTD và nhu cầu kết nối mạng lưới thông tin giữa các hệ thống TTTD tại các nền kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Là đơn vị chủ quản của CIC, NHNN Việt Nam tạo mọi điều kiện để CIC phát triển nghiệp vụ, áp dụng công nghệ mới vào việc mở rộng và nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, phục vụ hiệu quả hệ thống ngân hàng. Đồng thời, NHNN Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực TTTD giữa CIC với các tổ chức TTTD trong khu vực và trên toàn thế giới".
Được biết, Hội nghị Mạng lưới TTTD châu Á lần thứ 3 tại Việt Nam tập trung vào 4 chủ đề quan trọng, bao gồm: (1) Vai trò quan trọng của trung tâm TTTD công lập; (2) Thúc đẩy trao đổi TTTD xuyên biên giới hỗ trợ xuất khẩu lao động và thương mại đầu tư; (3) Những xu hướng mới nhất tác động đến hoạt động TTTD và thực tiễn tại một số quốc gia trong khu vực như: nhận biết khách hàng điện tử EKYC, vai trò của EKYC đối với cho vay trên nền tảng số, phát triển dữ liệu thay thế hỗ trợ hoạt động của các TCTD…; (4) Kết nạp thêm thành viên để phát triển Mạng lưới và thảo luận các giải pháp thúc đẩy hoạt động của Mạng lưới.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ: Ban Lãnh đạo NHNN đánh giá cao nỗ lực của các thành viên ACRN trong việc xây dựng một Mạng lưới TTTD riêng cho khu vực châu Á, nhằm hiện thực hóa ý tưởng được khởi xướng bên lề Hội nghị TTTD toàn cầu tại Toronto, Canada 2016 của các thành viên sáng lập. Chúng tôi kỳ vọng ACRN sẽ ngày càng lớn mạnh, mở rộng thêm các thành viên từ các quốc gia khác, tạo bước đột phá để thúc đẩy phát triển hoạt động TTTD trong khu vực. Tôi cũng đề nghị các thành viên ACRN sẽ cùng nhau thảo luận, tìm ra những giải pháp, đề xuất với các nhà lập pháp ở mỗi nền kinh tế để khắc phục những khó khăn, khác biệt về khuôn khổ pháp lý, bảo mật dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu hay bảo vệ người vay khi thực hiện trao đổi TTTD xuyên biên giới.
“Đây là cơ hội để chúng ta thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm và bài học quý báu về quản lý, vận hành cơ quan TTTD công lập, thúc đẩy hoạt động trao đổi TTTD xuyên biên giới và cập nhật xu hướng mới về ứng dụng CNTT trong hoạt động để đáp ứng được yêu cầu của các dịch vụ ngân hàng mới trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất nhanh như hiện nay”, Phó Thống đốc nói.