Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI năm 2024

Sáng 12/5, tại Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI (SV_STARTUP 2024). Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy...

Đóng góp quan trọng vào hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia

Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Bộ GDĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học.

Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI tại TP Cần Thơ

Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI tại TP Cần Thơ

Đến nay, hơn 60% các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức các hoạt động dưới các hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hình thành các loại hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động khoa học … nhằm tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các nội dung, hoạt động về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Quang cảnh lễ khai mạc

Quang cảnh lễ khai mạc

100% cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học góp phần phát triển và hình thành văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học. Gần 30% cơ sở giáo dục đại học hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của đơn vị, 90% trong số đó tham gia các mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học khác phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Từ những hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cơ sở, đến nay, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên đã thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp, hơn 4.000 ý tưởng khởi nghiệp với hơn 20.000 học sinh, sinh viên tham gia.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi báo cáo kết quả hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi báo cáo kết quả hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

Đã có những chuyển biến tích cực trong tạo lập môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp để vừa hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, vừa thúc đẩy khởi nghiệp đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ sở giáo dục đại học.

Hiện nay, bình quân mỗi cơ sở giáo dục đại học hợp tác với khoảng 60 doanh nghiệp, có một số đại học, trường đại học hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp ở trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu. Một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân lực, đặt hàng nhân lực chất lượng cao và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo.

“Với phương châm nhà trường là nền tảng, các thầy cô giáo là động lực, học sinh, sinh viên là trung tâm, là chủ thể của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục đã gặt hái được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên trong thời gian qua. Kết quả của Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đã góp phần vào thành công chung của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho biết: Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ giải pháp của Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Đề án. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, cập nhật, ban hành và đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên gắn với hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hướng nghiệp.

Cần cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thì phải có con người đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Nhìn lại kết quả sau hơn 6 năm thực hiện Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”, Thủ tướng đánh giá: Đề án đạt được hầu hết các mục tiêu. Đã thu hút được gần hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Một số dự án đã được đầu tư thành công.

“Đặc biệt, chúng ta tự hào có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đã đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong nước, nước ngoài và được tuyển dụng làm việc tại các Tập đoàn, Công ty công nghệ lớn của thế giới như Facebook, Space X, Google, Quora…”. Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh sinh viên, thanh niên Việt Nam thời gian qua, đóng góp vào thành công chung của cả nước. Thủ tướng hoan nghênh Bộ GDĐT đã tập trung chỉ đạo tổ chức tốt Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên hằng năm, từ năm 2018 đến nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp học sinh, sinh viên nói riêng. Từ đó, chỉ đạo một số định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia học sinh, sinh viên

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia học sinh, sinh viên

Theo Thủ tướng, để hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên phát triển đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của nhân dân, doanh nghiệp với những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, thiết thực, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.

Nhất trí với các định hướng tiếp tục triển khai Đề án 1665 trong giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng đề nghị Bộ GDĐT cùng các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 đẩy mạnh, 2 tăng cường, 3 kết nối, 4 tập trung, 5 khuyến khích”.

"1 đẩy mạnh” là đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

“2 tăng cường” là tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với các trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp học sinh, sinh viên có thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, điều phối viên. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp.

“3 kết nối” gồm: Kết nối các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các Trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các địa phương với các trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển các dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương. Kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên các bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt.

Nhóm học sinh trường THCS CLC Thanh Xuân - Quận Thanh Xuân - TP Hà Nội tham dự ngày hội với sản phẩm ứng dụng thực tế hữu ích.

Nhóm học sinh trường THCS CLC Thanh Xuân - Quận Thanh Xuân - TP Hà Nội tham dự ngày hội với sản phẩm ứng dụng thực tế hữu ích.

“4 tập trung” gồm: Tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên. Đổi mới từ cách nghĩ cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy. Tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, thanh niên với các doanh nghiệp. Có cơ chế bảo đảm các ý tưởng dự án được bảo hộ tránh việc mất bản quyền. Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.

“5 khuyến khích” gồm: Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị sử dụng các sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục. Khuyến khích học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp và để thúc đẩy thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu. Khuyến khích cán bộ giảng viên, đoàn viên thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có cách nghĩ mới, cách làm mới; tham gia các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.

Thủ tướng cũng đã có những đề nghị cụ thể với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, với các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục phổ thông và gửi gắm tới các em học sinh, sinh viên: “Các cháu hãy luôn mang trong mình tinh thần quyết tâm “Nuôi dưỡng ý tưởng; thổi bùng đam mê; quyết tâm, kiên trì; đương đầu thách thức - lập nghiệp thành công”, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước thân yêu ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

Cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho ngành Giáo dục và “đã truyền cảm hứng cho những người đi truyền cảm hứng cho hoạt dộng khởi nghiệp của đất nước”, thay mặt ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Sẽ tiếp thu đầy đủ, triệt để, sâu sắc và sẽ thực hiện đầy đủ nội dung, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng với định hướng “Nuôi dưỡng ý tưởng, thổi bùng đam mê, quyết tâm kiên trì, không ngại thách thức để lập nghiệp thành công”. 15 nội dung chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng cũng được Bộ trưởng cam kết sẽ triển khai đầy đủ trong thực tế để Ngày hội khởi nghiệp của học sinh, sinh viên sẽ ngày càng tốt hơn.

Hoàng Dương

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thoi-su/khai-mac-ngay-hoi-khoi-nghiep-quoc-gia-cua-hoc-sinh-sinh-vien-lan-thu-vi-nam-2024-57049.html