Khai mạc Triển lãm quốc tế công nghiệp dệt may 2022

Sự kiện này là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh giao thương, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường.

Ngày 27/7, triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 (SaigonTex và SaigonFabric 2022) đã được khai mạc tại TP HCM. Đây là triển lãm chuyên ngành dệt may lớn nhất tại Việt Nam được tổ chức lại sau 2 năm hoãn lại do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm

Phát biểu tại triển lãm, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: "Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Trong định hướng phát triển ngành Công Thương, Bộ Công Thương luôn coi dệt may là một ngành quan trọng, không chỉ đóng vai trò là ngành sản xuất công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba cả nước, mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động với thu nhập cao hơn từ 2-3 lần so với lao động nông nghiệp".

Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 40 tỷ USD, thu nhập trung bình của lao động trong lĩnh vực dệt may khoảng 3.800 USD/người/năm.

Tuy nhiên, ông Tài cũng chỉ ra rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may dù cao nhưng giá trị gia tăng còn ở mức thấp, ngành chưa chủ động được nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá.

Trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương

Trong bối cảnh đó, theo ông Lê Hoàng Tài, việc tổ chức triển lãm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong ngành dệt may trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Triển lãm quy tụ gần 300 gian hàng

Tại triển lãm SaigonTex và SaigonFabric 2022 lần này, với diện tích gian hàng gần 10.000 m2, đã có 278 đơn vị đến từ 16 quốc gia & vùng lãnh thổ có nền công nghiệp dệt may phát triển sẽ tham gia triển lãm như: Trung Quốc, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ... cùng nước chủ nhà Việt Nam. Các doanh nghiệp tên tuổi giới thiệu các thiết bị và nguyên phụ liệu với công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay cho thị trường dệt may.

Ngay trong ngày đầu diễn ra triển lãm, các doanh nghiệp tham gia đã giới thiệu các thiết bị và nguyên phụ liệu với công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay cho thị trường dệt may tại Việt Nam.

Chia sẻ với Mekong ASEAN - ông Gwen Lefebvre - nhà sáng lập thương hiệu thời trang GILDAS LEMÉ cho biết, "Triển lãm lần này là cơ hội để thương hiệu của ông tìm kiếm các chất liệu tốt nhất cho quá trình sản xuất hàng thời trang tại công ty. GILDAS LEMÉ đang tìm kiếm chất liệu vải nhẹ, hiện đại và bền vững. Đặc biệt, các chất liệu này phải làm nổi bật sự thoải mái và có những chức năng về làm mát và hô gấp cao phù hợp với lối sống năng động và môi trường sống có nhiệt độ cao".

Về tính bền vững của thời trang, theo ông Gwen, hiện nay một số điều luật được bỏ phiếu tại Châu Âu sẽ làm hạn chế các công ty phát triển thời trang nhanh. "Tôi nghĩ chúng ta cần giảm bớt việc tiêu dùng thời trang nhanh và thay đổi những thói quen hiện đại. Đặc biệt là với thế hệ trẻ dưới ảnh hưởng của truyền thông xã hội. Tôi tin vào kiểu thời trang mới, 'thời trang có ý thức' sẽ làm cho khách hàng nhận thức rõ hơn vào lựa chọn của mình, và sẽ có trách nhiệm hơn với môi trường".

Ông Gwen cũng nhấn mạnh: "Chúng ta không thể quay lại quá khứ nhưng chúng ta có thể tiến hóa và học hỏi từng bước từ thời trang, ngày nay rất nhiều sản phẩm bền vững và các thương hiệu cũng thay đổi theo hướng đi tái chế. Rõ ràng đây là hướng đi chung của tất cả mọi người vì môi trường và không ai muốn bị bỏ lại phía sau vì điều đó".

Không chỉ với ông Gwen, đây cũng là một trong những mục tiêu mà Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang đang muốn hướng tới cho toàn ngành may mặc và thời trang trong nước, nhằm nỗ lực "xanh hóa" ngành dệt may, phát triển bền vững ngành dệt may đến năm 2030.

Bên cạnh đó, các mục tiêu khác được Hiệp hội Dệt may đặt ra trong triển lãm lần này bao gồm cung cấp những thông tin cũng như máy móc, thiết bị, công nghệ mới nhất cho các doanh nghiệp. Thứ hai, tạo môi trường giúp các doanh nghiệp liên kết chuỗi. Thứ ba, cơ hội để ngành dệt may Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư về nguyên liệu, máy móc. Cuối cùng là tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới.

SaigonTex & SaigonFabric do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phối hợp cùng Công ty Triển lãm CP (Hong Kong) và Công ty TNHH Triển lãm CP Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (Agtek). Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan từ 27-30/7/2022.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khai-mac-trien-lam-quoc-te-cong-nghiep-det-may-2022-post9225.html