Khai phá tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ

Với quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ (TCMN) toàn cầu đạt hơn 750 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn khi cả nước có hơn 2.000 làng nghề, trong khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này hiện mới đạt khoảng 3,5 tỷ USD mỗi năm…

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tiềm năng tăng kim ngạch xuất khẩu. (Ảnh: TT)

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tiềm năng tăng kim ngạch xuất khẩu. (Ảnh: TT)

Tiềm năng và khả năng quảng bá

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (KTHT&PTNT) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. “Các làng nghề không chỉ là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là nơi góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ổn định của người dân, là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục KTHT&PTNT nhận định.

Đặc biệt, từ năm 2018, khi được Chính phủ giao quản lý nhà nước về ngành nghề, làng nghề truyền thống, Bộ NN&PTNT đã tập trung phát triển khu vực này. Đến nay, hơn 800.000 cơ sở nghề là các DN, HTX và các hộ nghề, trong đó có hơn 13.000 DN, hơn 11.000 HTX và tổ hợp tác…

Hà Nội được biết đến là cái nôi của làng nghề với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng nghề truyền thống của cả nước. Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, mỗi làng nghề có một bản sắc riêng, từ đó tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với sự đa dạng chủng loại. Trong số đó có những sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước…

Được biết, Hà Nội phấn đấu đến 2025 sẽ hình thành Trung tâm phát triển thiết kế và giới thiệu sản phẩm OCOP quốc gia, gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời phát triển 9 Trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã…

Không chỉ các nghề truyền thống, nhiều ngành nghề mới cũng đang dần khẳng định vị thế. Ông Lê Nam Trung, nghệ nhân sản xuất ngọc trai đạt chứng nhận OCOP 5 sao tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho rằng, không phải quốc gia nào cũng có tiềm năng sản xuất ngọc trai, trong khi Việt Nam có nhiều địa phương có tiềm năng lớn như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Phú Quốc...

Tuy nhiên, sản xuất ngọc trai cần quy trình tương đối đặc thù, cần sự chia sẻ, kết nối thông tin từ nhiều phía, ông Trung đề xuất, các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ NN&PTNT có phương án hướng dẫn, thông tin nhanh chóng, kịp thời các yếu tố thị trường. "Đây là yếu tố cốt lõi để gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhất là ở thị trường quốc tế" - nghệ nhân bày tỏ.

Với 76% sản phẩm TCMN của Come Home được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, bà Inga Toal - Quản lý Phòng Trưng bày hàng hóa thương hiệu Come Home, thuộc Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) cho rằng, mặc dù các nghệ nhân làng nghề, công xưởng của Việt Nam có chuyên môn tốt và sự chuyên nghiệp cao nhưng cần có một chiến lược marketing tốt hơn để đưa các sản phẩm của làng nghề ra thế giới và tiếp cận gần gũi hơn tới người tiêu dùng…

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện xuất khẩu sản phẩm TCMN của Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD/năm, trong khi quy mô thị trường TCMN toàn cầu đạt 752,2 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm. “Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để có thị trường mới, thu nhập mới, chia sẻ thêm những giá trị về môi trường, văn hóa, đặc sắc của Việt Nam cho người tiêu dùng toàn cầu” - ông Tuấn kỳ vọng.

Theo GS Claus - Trường Thiết kế, Đại học Lund (Thụy Điển), quá trình số hóa và áp dụng công nghệ mới là xu hướng quan trọng trong sản xuất tại làng nghề giúp bảo tồn và phát triển làng nghề. "Tuy nhiên, để duy trì sự hấp dẫn của làng nghề và thu hút sự tham gia của giới trẻ, cần đặt câu hỏi về việc duy trì kỹ năng truyền thống của nghệ nhân trong bối cảnh công nghệ ngày càng tiến bộ, trong đó cần có sự linh hoạt và chiến lược thiết kế dài hạn để không chỉ giữ gìn truyền thống mà còn phát triển sản phẩm theo hướng mới" - GS Claus đưa ra lời khuyên.

Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới, ông Kevin Murray chỉ ra những ứng dụng của công nghệ số, công nghệ hiện đại, vật liệu thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất, song không quên nhấn mạnh câu chuyện cần phải phát triển thương hiệu làng nghề. Trong đó, sàn thương mại điện tử là một công cụ hữu ích có thể hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm truyền thống. “Làng nghề truyền thống Việt Nam có rất nhiều nét đặc biệt. Vấn đề đặt ra là làm sao kết nối làng nghề với thế giới, phát triển làng nghề hướng tới xu thế tiêu dùng hiện đại trong khi vẫn duy trì bản sắc của làng nghề”- ông Kevin lưu ý.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Việt Nam có không gian sáng tạo rất lớn đối với phát triển làng nghề. Dư địa sẽ còn mở rộng nếu làng nghề được tích hợp thêm giá trị từ văn hóa, lịch sử địa phương, truyền thống, môi trường, cảnh quan... Đặc biệt, tích hợp công nghệ cũng là một xu thế bắt buộc phải cập nhật để các sản phẩm "có thể tự kể lại câu chuyện của mình" như sản phẩm gốm được tích hợp AI, mã QR code để người trải nghiệm có thể tiếp nhận thông tin một cách tiện lợi và thú vị hơn.

Bộ trưởng đề nghị Cục KTHT&PTNT nghiên cứu, đề xuất giải pháp để nâng cao giá trị các làng nghề, đặc biệt là những sản phẩm của nghệ nhân và thợ giỏi; đồng thời tham mưu để có một tạp chí chuyên biệt về làng nghề xuất hiện trên các chuyến bay trong nước và quốc tế. Cùng với sự chủ động của các làng nghề, Bộ NN&PTNT sẽ kết nối DN và thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làng nghề. Mục đích cuối cùng là phải bán được sản phẩm của làng nghề làm ra.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khai-pha-tiem-nang-xuat-khau-hang-thu-cong-my-nghe-post503323.html