Khai quật Óc Eo - Ba Thê thấy dáng vóc di sản UNESCO
Kết quả khai quật di tích Óc Eo - Ba Thê vừa công bố cho thấy tầm vóc của di sản này.
Những cuộc khai quật thuộc đề án Nghiên cứu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam bộ) đã diễn ra trong 3 năm, từ tháng 8/2017 đến 6/2020. TS Nguyễn Gia Đối, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết Viện đã tiến hành khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại các địa điểm: chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc, gò Óc Eo, gò Giồng Trôm và gò Giồng Cát. Báo cáo khoa học của TS Đối cho biết từ 5 địa điểm đã có khoảng trên 50 di tích được phát hiện và nghiên cứu.
Nhóm các di tích giai đoạn từ thế kỷ I - IV được phát hiện ở các địa điểm: chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc, gò Giồng Trôm và gò Giồng Cát.
Trong đó, tại Linh Sơn Bắc, các nhà khảo cổ phát hiện kết cấu kiến trúc bao xung quanh bằng gạch chữ nhật vỉa nghiêng. Phủ trực tiếp lên di tích là lớp ngói ảnh hưởng của Ấn Độ. Cách dấu tích này khoảng 3 m về phía Đông Bắc đã phát hiện 1 phù điêu bằng đá granit chạm khắc hình tượng phật đang ngồi, tay chắp trước ngực. Phía dưới có 3 chữ Sankrit. Phù điêu cao gần 1 m, rộng từ 0,65 - 0,74 m, dày 0,3 m. Có khả năng bức phù điêu này được đặt trong một đền thờ. Đây là một kiến trúc có quy mô không lớn nhưng được xây dựng quy chỉnh.
Khai quật cũng làm phát lộ các di tích giai đoạn từ thế kỷ V - VII. Chẳng hạn, đã phát hiện một kiến trúc và một tấm bia bằng đá sa thạch chạm khắc chữ ở cả hai mặt. TS Phạm Văn Triệu (Viện Khảo cổ) cho biết bia được tạo dáng hình cánh sen, đỉnh bia tạc hoa văn bông sen nở cao 64 cm, dày 8 cm. Mặt trước bia chạm khắc chữ Sankrit, mặt sau chữ Khmer cổ. Nội dung bia đề cập đến việc vua Jayavarman I (nửa đầu thế kỷ 7) đề ra nguyên tắc quyên góp xây dựng tu viện Phật giáo (Vihara) tên là Candana. Các nhà khảo cổ cho rằng bước đầu có thể thấy kiến trúc và bia liên quan đến tu viện Phật giáo xây dựng dưới triều Jayavarman I.
Ngói Ấn Độ, gương Đông Hán và nhẫn vàng
Trong 3 năm, các nhà khảo cổ cũng thu về nhiều di vật. Trong đó, các hiện vật tiêu biểu là nhóm di vật ngói Ấn Độ, gương đồng thời Đông Hán và nhẫn vàng có hình bò thần Nandin.
Nhóm di vật ngói Ấn Độ là nhóm ngói phẳng lợp thân mái dạng hình chữ nhật, mặt ngói phẳng. Mặt ngói có các rãnh lõm để thoát nước, phần đuôi ngói có thể được tạo lỗ tròn để buộc dây hoặc đóng đinh, phần mũi ngói được cắt bằng. Mặt dưới được tạo một rãnh ở sát một cạnh dọc của viên ngói nhằm khớp nối với một viên ngói khác khi lợp trên mái. Gương đồng thời Đông Hán có mặt soi tạo nhẵn bóng hơi cong. Mặt bên được trang trí hoa văn chạm nổi, ở chính giữa là một núm tròn nổi khá cao có lỗ xuyên ngang. Từ núm tròn này ra phía ngoài của gương có 4 khoảng hoa văn. Gương cũng có chữ “Nhật nhật thiên vương”.
Nhẫn kim loại màu vàng được đúc nguyên khối, phía trên là hình ảnh bò thần Nandin (vật thiêng để cưỡi của thần Shiva) được tạo hình theo phong cách tả thực tai, mắt, sừng, móng, chùm lông ở đuôi. Hai bên thành nhẫn phía sau và phía trước của bò Nandin được trang trí hoa văn cánh hoa sen hay hình lá cây trông như hình chiếc đinh ba.
Nhận diện vóc dáng di sản thế giới
Theo TS Nguyễn Gia Đối, qua khai quật có thể bước đầu nhận diện về giao lưu văn hóa. Nhiều yếu tố thuộc văn hóa Ấn Độ đã hội nhập tạo nên bản sắc văn hóa Óc Eo. Chẳng hạn, ngói có ảnh hưởng từ Ấn Độ, địa điểm xây dựng tuân thủ theo giáo lý lấy hướng đông làm chủ đạo. Những thần linh như đức Phật, thần Visnu được thờ phụng đã cho thấy mối quan hệ với văn hóa Ấn Độ là hằng số thường xuyên trong lịch sử. Đây cũng chính là bản sắc của văn hóa Óc Eo.
Các nghiên cứu cho thấy bức tranh khu di tích Óc Eo - Ba Thê rõ nét hơn với tính chất của một đô thị cổ được vận hành bằng kinh tế nông nghiệp với sản vật lúa, gạo, bầu bí, cây họ đậu và cả thương nghiệp - TS Nguyễn Khánh Trung Kiên
TS Nguyễn Khánh Trung Kiên, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, lại phân tích các nghiên cứu hạt thực vật còn để lại trong tầng văn hóa các hố khai quật. Nghiên cứu bước đầu cho thấy cư dân cổ Óc Eo đã trồng lúa, bầu bí, đậu, cà na. Các loại thực vật trong khu cư trú không đa dạng, chủ yếu là cây ăn quả, tìm thấy rất ít cây hoang dại. Ghi nhận này bước đầu gợi mở khả năng liên quan đến tính chất làng mạc hay đô thị đã được người cổ Óc Eo “quy hoạch” với các không gian trồng cây có chủ đích.
Qua đó, TS Trung Kiên cho rằng: “Các nghiên cứu cho thấy bức tranh khu di tích Óc Eo - Ba Thê rõ nét hơn với tính chất của một đô thị cổ được vận hành bằng kinh tế nông nghiệp với sản vật lúa, gạo, bầu bí, cây họ đậu và cả thương nghiệp”.
Trước khi kết quả nghiên cứu được công bố, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo căn cứ kết quả của đề án nghiên cứu khảo cổ học này để Bộ VH-TT-DL hướng dẫn UBND tỉnh An Giang lập hồ sơ đề cử di sản thế giới. Trong đó cần lưu ý về tiêu chí, tính toàn vẹn, tính xác thực và yêu cầu về bảo vệ, quản lý đối với quần thể di tích này.
PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, đề nghị cần quy hoạch núi Ba Thê là một phần trong không gian di sản Óc Eo - Ba Thê. Đây là ngọn núi thiêng trong không gian văn hóa của đô thị cổ Óc Eo. Dự án khảo cổ học 3 năm cũng cho thấy việc các di tích gắn với núi Ba Thê này.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ, cho biết qua khai quật cũng đã thấy những thông tin nổi bật để làm hồ sơ di sản trình UNESCO. Chẳng hạn, tiêu chí chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn tồn tại hoặc đã diệt vong. Theo ông Tín, nhiều di tích và di vật tìm thấy tại Khu di sản Óc Eo - Ba Thê đã minh chứng nền văn minh đặc sắc đạt trình độ rất cao của cư dân cổ Óc Eo và Đông Nam Á trong khoảng thế kỷ I - VII.