Khai thác các FTA thúc đẩy thương mại Việt Nam - Nhật Bản

Ngày 7/12, VCCI phối hợp tổ chức Hội thảo 'Khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam – Nhật Bản'.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thái Li- Phó trưởng ban Quan hệ Quốc tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển và đạt được những kết quả ấn tượng.

 Hội thảo “Khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam – Nhật Bản”

Hội thảo “Khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm thúc đẩy thương mại Việt Nam – Nhật Bản”

Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành trụ cột cho quan hệ Việt - Nhật. Đầu tư FDI của Nhật Bản vào Việt Nam trải khắp 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tính đến ngày 20/9/2023, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 71,3 tỷ USD với 5.143 dự án, xếp thứ 3/143 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, các dự án quy mô lớn mà các tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh, hoạt động hiệu quả.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Xét về cơ cấu hàng hóa, hai nền kinh tế có tính chất bổ trợ cao, không cạnh tranh trực tiếp. Nhật Bản được xem là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực ngành hàng.

Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 4 FTA song phương và đa phương gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện kinh tế khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước khai thác, đẩy mạnh tác kim ngạch thương mại hai chiều”, bà Nguyễn Thị Thái Li cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thái Li- Phó trưởng ban Quan hệ Quốc tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Bà Nguyễn Thị Thái Li- Phó trưởng ban Quan hệ Quốc tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tại sự kiện, ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh: Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không đơn thuần chỉ là hợp tác kinh tế, thương mại mà còn là một tình bạn chân thành được xây dựng dựa trên lòng tin hiểu học và sự tôn trọng. Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và luôn ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò ở khu vực và trên các diễn đàn quốc tế.

Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại khi hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, Việt Nam có nền kinh tế với độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, có nguồn nhân lực trẻ dồi dào. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.

Cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các mặt hàng gồm thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vài các loại, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày...

Có thể nói nhiều mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Việt Nam có thể mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng chính cho Nhật Bản”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nói.

Các FTA song phương và đa phương mà Nhật Bản đã ký với Việt Nam, theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước.

Ông Yasushi Ishida, Trợ lý Giám đốc và Trưởng phòng, Phòng Thương mại và Đầu tư, Trung tâm Asean – Nhật Bản

Ông Yasushi Ishida, Trợ lý Giám đốc và Trưởng phòng, Phòng Thương mại và Đầu tư, Trung tâm Asean – Nhật Bản

Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Yasushi Ishida- Trợ lý Giám đốc và Trưởng phòng, Phòng Thương mại và Đầu tư, Trung tâm Asean – Nhật Bản thông tin: Giữa Việt Nam và Nhật Bản có 4 đang có hiệu lực, lợi ích của các hiệp định này là giúp cắt giảm thuế suất theo biểu thuế quan. Nếu khai thác tốt các hiệp định này doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để giảm giá thành hàng hóa khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Mỗi hiệp định có quy định mức cắt giảm khác nhau và không phải doanh nghiệp nào cũng nắm được thông tin đó để có thể khai thác tốt. Do vậy, hội thảo ngày hôm nay doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nội dung về các hiệp định để tăng cường cơ hội xuất khẩu vào Nhật bản.

Việt Nam đang xuất khẩu nhiều mặt hàng vào Nhật Bản, như thiết bị điện, điện tử, may mặc, giày dép, sản phẩm da, thủy sản…, mỗi mặt hàng sẽ có điều kiện, yêu cầu khác nhau và theo từng hiệp định được ký kết. Do vậy cần sự chú ý của doanh nghiệp.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khai-thac-cac-fta-thuc-day-thuong-mai-viet-nam-nhat-ban-290448.html