Khai thác các tiềm năng, thế mạnh, tạo thế và lực để tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững
Năm 2024, tỉnh Quảng Trị tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành trung ương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo thế và lực thúc đẩy tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững. Nhân dịp đón năm mới 2025, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với Quyền Chủ tịch UBND tỉnh HÀ SỸ ĐỒNG về thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2024 và mục tiêu, giải pháp thực hiện vào những năm tiếp theo.
- Quán triệt phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; dưới sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát và toàn diện của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự giám sát của HĐND tỉnh; nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng hành của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế-xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh trong năm 2024 đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Theo số liệu dự ước có 14/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 8 chỉ tiêu thực hiện vượt và 6 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra; 4/18 chỉ tiêu tiệm cận với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 5,97% và GRDP bình quân đầu người đạt 81,2 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 4.360 tỉ đồng, đạt 112% dự toán và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh đã thu hút 40 dự án với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần về tổng vốn đăng ký so với năm 2023.
Trên lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp đạt 5,72% so với năm trước; công tác quản lý hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng được tăng cường. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa, sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 31 vạn tấn, vượt 10,7% kế hoạch đề ra. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 38.043 tấn, tăng 3,59% so với năm trước.
Nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản, ứng dụng các quy trình canh tác an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường, hình thành các sản phẩm đặc trưng của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh có 75/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Hoạt động thương mại và dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt trên 34.448 tỉ đồng, tăng 12,82% so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh dự ước đạt 980 triệu USD, tăng 25% so với năm trước. Hoạt động vận tải tăng trưởng khá cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với năm trước; doanh thu vận tải ước tính đạt trên 2.405 tỉ đồng, tăng 9,62% so với năm 2023.
Hoạt động kinh doanh du lịch từng bước khởi sắc. Năm qua, tỉnh tổ chức thành công Lễ hội văn hóa - ẩm thực “Hương vị miền Hoa nắng - Taste of Sunland”, thu hút khoảng 32.000 lượt khách. Năm 2024, Quảng Trị đón khoảng 3.014.000 lượt khách du lịch, tăng 48,4%, doanh thu xã hội ước đạt khoảng 2.400 tỉ đồng, tăng 31,8% so với năm 2023.
Đặc biệt trong năm 2024, tỉnh Quảng Trị tổ chức thành công Lễ hội Vì Hòa bình, tạo ấn tượng và sức lan tỏa, quảng bá hình ảnh tốt đẹp về mảnh đất, con người Quảng Trị. Toàn bộ các hoạt động của lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả (nguồn lực xã hội hóa đóng góp trên 60% tổng chi phí cho lễ hội). Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện. Thể thao quần chúng phát triển sâu rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trên lĩnh vực y tế, tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chất lượng quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua hệ thống y tế cơ sở không ngừng cải thiện, qua đó người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế có chất lượng hơn trước.
Quan tâm ưu tiên nguồn lực để đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế công lập gắn với khuyến khích phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cuối năm 2024, tỉ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,22%.
Công tác chăm sóc thương binh - liệt sĩ và người có công tiếp tục được quan tâm. Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ đối với người có công với cách mạng, xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, chăm lo các phần mộ liệt sĩ, công trình tri ân. Công tác giảm nghèo bền vững được chỉ đạo và triển khai đồng bộ, hiệu quả. Ước tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều cuối năm 2024 là 6,6%, giảm 1,11%, tương ứng giảm 1.960 hộ, đạt kế hoạch đề ra.
Nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, hộ nghèo, người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm đúng mức.
- Điểm nổi bật trong tổng thể bức tranh toàn cảnh của tỉnh năm 2024 là các chương trình, dự án động lực được “hiện thực hóa”, đi vào thi công. Đồng chí có thể cho biết kết quả bước đầu của một số công trình dự án động lực?
- Ngay từ đầu năm 2024, các chương trình, dự án động lực đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt nên một số dự án được tái khởi động, khởi công và đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong đó phải kể đến dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đã thi công xây dựng đê kè chắn sóng, các bến cảng và hạng mục thiết yếu theo đúng kế hoạch đề ra, quyết tâm đến cuối năm 2025 có 2 bến cảng đưa vào hoạt động. Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 và triển khai hoàn thành san nền, hệ thống xử lý nước thải tập trung, đường giao thông trục chính.
Dự án Cảng hàng không Quảng Trị đã triển khai thi công một số hạng mục thiết yếu; dự án Đường tránh phía Đông TP. Đông Hà đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan và chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ,
Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị và đường dây 500 kV đấu nối tại Quảng Trị. Hiện nay, tỉnh đang tích cực làm việc với các bộ, ngành và nhà đầu tư để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo và tuyến Quốc lộ 15D. Hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cụm công nghiệp trên địa bàn dần được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.
Để hỗ trợ các dự án, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thường xuyên kiểm tra thực địa để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, yêu cầu phải tập trung lực lượng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư; sớm hoàn thành các khu tái định cư phục vụ di dời dân, giải phóng mặt bằng.
Các sở, ban, ngành tăng cường lực lượng giúp các địa phương, đồng thời phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách từng dự án cụ thể, cử cán bộ theo dõi tiến độ dự án, rà soát tổng thể, chi tiết và kế hoạch triển khai từng hạng mục công trình, gói thầu; tổ chức giao ban định kỳ với các đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, có phương án chỉ đạo tổ chức thi công, giải ngân theo kế hoạch vốn được giao... Vì thế, các dự án trọng điểm đang khẩn trương thi công đúng tiến độ, sớm đi vào hoạt động để hỗ trợ tích cực cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Giải ngân vốn đầu tư công có nhiều tiến bộ, tính đến ngày 30/11/2024, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 73,8% kế hoạch, cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 và bình quân chung của cả nước. Đây cũng là năm đạt mức giải ngân cao nhất trong các năm từ đầu kỳ trung hạn 2021 - 2025 đến nay, dự báo đến hết năm 2024, đạt khoảng 95%.
- Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Vậy những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện để hoàn thành kế hoạch đề ra như thế nào, thưa đồng chí?
- Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Bên cạnh các thuận lợi cơ bản thì vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức, vì vậy tỉnh đã đề ra mục tiêu tổng quát là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh Quảng Trị đã đề ra mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,5%-7% so với năm 2024; GRDP bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 27.500 tỉ đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 4.965 tỉ đồng. Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 80,2%, có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tạo việc làm mới cho 14.000 lao động. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,2%; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1% - 1,5%...
Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng gồm: Tập trung rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhất là những chỉ tiêu dự báo khó đạt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, quyết tâm thực hiện hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện có hiệu quả kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Thông báo số101-TB/VPTW, ngày 28/10/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn bản số 8386/VPCP-QHĐP, ngày 15/11/2024 của Văn phòng Chính phủ; Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 101-TB/VPTW. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông cho chuyển đổi số, hạ tầng số, ngầm hóa, chỉnh trang cáp thông tin; tích hợp cơ sở dữ liệu các ngành lên kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ; truyền thông, quảng bá Quảng Trị là “Điểm đến Vì hòa bình”. Củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.
- Trên cơ sở những kết quả đạt được của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đề nghị đồng chí cho biết kế hoạch triển khai các dự án đầu tư công trong 5 năm 2026 - 2030?
- Đối với một tỉnh khó khăn như Quảng Trị, đầu tư công là nguồn lực chủ yếu và đóng vai trò quyết định trong quá trình hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải thiện các điều kiện xã hội, phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực và đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương.
Do đó, tỉnh đã xác định nguyên tắc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026- 2030 của tỉnh phù hợp các mục tiêu, phương hướng phát triển tại Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026- 2030. Tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn được cấp có thẩm quyền quyết định. Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình, dự án trọng điểm, quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Dự kiến kế hoạch các dự án khởi công mới giai đoạn 2026-2030 đảm bảo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên dự án có tính chất kết nối, tác động lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với các chương trình, đề án, nghị quyết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, dự kiến có thêm các dự án ODA mới đang đề xuất vận động; tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư của bộ, ngành chủ quản để đầu tư cơ sở hạ tầng các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Hạn chế tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, trùng lặp nhiệm vụ giữa các sở, ngành và địa phương để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Theo dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Trị là 23.835 tỉ đồng, bằng 133% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, trong đó vốn ngân sách địa phương dự kiến 9.609 tỉ đồng, bằng 126% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; vốn ngân sách trung ương dự kiến 12.381 tỉ đồng, bằng 146% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hồ Nguyên Kha (thực hiện)