Thái Bình và những con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng
Ngày 3/1, Cục Thống kê tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh Thái Bình với con số tăng trưởng ấn tượng.
Đạt nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội quan trọng
Ngày 3/1, Cục Thống kê tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2024. Năm vừa qua, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
GRDP trên địa bàn tỉnh Thái Bình ước đạt trên 71.300 tỷ đồng, tăng 7,01% so với cùng kỳ năm 2023. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt trên 132.700 tỷ đồng, xếp thứ 23 trong cả nước và thứ 8/11 địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,7%, công nghiệp và xây dựng chiếm 44,3%, dịch vụ chiếm 30,41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,6%.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt trên 26.700 tỷ đồng, đạt 137,1% so với dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thu nội địa ước đạt gần 11.070 tỷ đồng, tăng 12,8%. Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 10.384 hộ, tỷ lệ hộ nghèo 1,59%; tổng số hộ cận nghèo 10.907 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo 1,67%. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được quan tâm, chăm lo, chỉ đạo thực hiện tốt.
Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những thành tựu nổi bật của tỉnh Thái Bình. Với tỷ lệ giải ngân đạt 169,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỉnh tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thương mại và xuất khẩu cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt 4.480 triệu USD, tăng 10,7% so với năm trước, xuất siêu đạt 1.077 triệu USD.
Thu ngân sách nhà nước trên 27.500 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thu nội địa đạt hơn 11.400 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tỉnh duy trì thành tích thu nội địa vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,2% so với năm trước, khẳng định vai trò động lực của ngành này đối với tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, toàn tỉnh có thêm 1.172 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập với tổng vốn đầu tư 12.604 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lên 7.634 doanh nghiệp.
Công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt những thành công vượt mong đợi. Nhiều dự án đầu tư FDI trị giá hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng đã, đang và sẽ được khởi công trên địa bàn tỉnh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng của bão số 3, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì giá trị sản xuất trên 13.700 tỷ đồng. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt. Toàn tỉnh dự kiến công nhận thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn kiểu mẫu trong năm 2024, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 40.
Thành công đến từ chính sách đúng đắn
Không phải ngẫu nhiên mà năm 2024 tỉnh Thái Bình đạt những con số ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư. Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Thái Bình đạt được kết quả đó chính là sự đồng hành, lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp của chính quyền tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” và vướng mắc trong thu hút đầu tư. Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ; tuyến liên kết vùng, trục hành lang nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư. Hạ tầng công nghiệp cũng được tỉnh chú trọng đầu tư với nhiều khu công nghiệp được xây dựng.
Ngoài ra, trong năm 2024, tỉnh Thái Bình cũng tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các quốc gia như Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Trung Quốc... Trong đó, chú trọng thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, không thu hút đầu tư bằng mọi giá; ưu tiên thu hút đầu tư từ các đối tác có công nghệ cao.
Đặc biệt, tỉnh Thái Bình đã áp dụng chuyển đối số mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực. UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ số có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, cụ thể hóa những nội dung, mục tiêu cơ bản về chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh, bền vững và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế của tỉnh.
Những kết quả tích cực năm 2024 là tiền đề quan trọng để Thái Bình tiếp tục duy trì đà phát triển, hướng tới mục tiêu bền vững và toàn diện trong tương lai.
Theo Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, tổng vốn đầu tư của tỉnh năm 2024 đạt hơn 38.088 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vượt ngưỡng 1 tỷ USD, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp Thái Bình đạt được thành tích này.
Đặc biệt, 154 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh mới với tổng vốn đăng ký 26.444 tỷ đồng được triển khai, cho thấy môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn của tỉnh.