Khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng có tác động tới môi trường?
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển.
Tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 4/6, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cho rằng, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng, việc dùng cát biển để thay thế và triển khai đại trà "có thể là sự liều lĩnh" vì hàm lượng muối trong cát biển có thể ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bà đề nghị có giải pháp thay thế nguồn vật liệu mà không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn tỉnh Hải Dương) nhấn mạnh, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là nội dung quan trọng của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Ông bày tỏ lo ngại hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển.
Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết việc sử dụng vật liệu cát cho dự án trọng điểm, nhất là cao tốc đang gặp khó khăn.
Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện Bộ Giao thông vận tải đã thí điểm dùng cát biển san lấp đường giao thông.
Bộ Tài nguyên và môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng và khu vực có thể khai thác cát biển.
Hiện Bộ đã hoàn thành đánh giá trữ lượng ở khu vực Sóc Trăng với một trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu m3, cách bờ khoảng 20 km, thân mỏ có chiều sâu 7 m. Bộ đã khuyến cáo chỉ nên khai thác ở độ sâu 2 m để giảm tác động đến môi trường.
Trữ lượng cát biển của Việt Nam rất lớn và hiện nay đã được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển, Bộ trưởng Khánh cho biết.
Về lo ngại nguy cơ nhiễm mặn, Bộ trưởng khẳng định cần đánh giá tác động môi trường, tốt nhất sử dụng ở khu vực đã nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động, với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nước mặt. Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, hoạt động lấn biển đã có từ rất lâu, do đó cần phải được đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, bảo vệ hệ sinh thái, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thêm, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu đánh giá thử nghiệm về nguồn cát nhiễm mặn và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, đánh giá tính chất cơ lý, sức bền vật liệu, tính ảnh hưởng môi trường; đồng thời yêu cầu có các bước thử nghiệm từng khu vực khai thác, từng công trình, đưa ra các tiêu chí về sử dụng cát biển.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có các mục tiêu giải pháp đối với các cảng, biển nội thủy và các sông ngòi, tuyến kênh, rạch, sẽ giao cho các địa phương đánh giá, điều tra và khai thác, thực hiện thông tuyến, tận dụng nguồn vật liệu cát này.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung các nguồn cát, trong đó có việc nghiên cứu và sử dụng đá xay, nhập vật liệu cát ở nước khác. Như vậy, với nhiều giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, vấn đề nguyên vật liệu cát cho các dự án sẽ được giải quyết tốt.