Khai thác cát thiếu kiểm soát khiến ĐBSCL 'mong manh'
Việc khai thác tài nguyên cát thiếu kiểm soát hay khai thác cát trái phép đã 'bức tử' các dòng sông.
- "Hồi đó, đất của mình từ đây ra ngoài đó khoảng 100m, mà bề ngang 10m thì là mất một công đất (1000m2). Bây giờ nó có tình trạng lở xói mòn vào, cộng với việc khai thác cát không phép, mình không biết như thế nào, nhưng giờ nó sạt lở vào khá nhiều, nông dân ở đây đi làm cũng rất hồi hộp và sợ".
- "Không buôn bán gì được, hồi lúc trước bán được 10 chứ bây giờ bán được 1, có ai đi ngang qua khu vực này đâu mà bán. Xe buýt nghỉ chạy luôn".
- "Hồi trước ở đây không có sạt lở, còn sau này do khai thác cát quá nhiều làm cho sạt lở. 5-7 năm trở lại đây sạt lở ở khúc dưới, xong giờ nó sạt lở tới đây".
Lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Chương, ở xã Tân Lợi, thị xã Tân Châu; chị Trương Thị Kim Tài và ông Lê Văn Tuấn ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã bộc lộ sự hoang mang, lo sợ khi sống cạnh khu vực sạt lở. Nỗi niềm của 3 người dân trong số hàng trăm ngàn hộ dân sinh sống ở vùng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL lo lắng khi từng tấc đất của gia đình bị cuốn theo sạt lở. Lượng cát từ thượng nguồn đổ về ít, tình trạng khai thác cát thiếu kiểm soát hay “cát tặc” lộng hành là nỗi lo bức thiết hơn lúc nào hết của người dân.
Câu chuyện sạt lở không xa lạ tại vùng ĐBSCL nhưng cũng không quá cũ bởi chưa giải quyết được căn cơ vấn đề. Rất nhiều thời điểm, xung đột giữa người dân và cát tặc vẫn thường xuyên diễn ra, người dân vì bảo vệ nhà cửa, vườn cây ăn trái nên buộc phải hành động. Còn cát tặc vì lợi ích kinh tế mà bất chấp tất cả. Thực tế, những địa phương khai thác cát nhiều nhất ở ĐBSCL cũng chính là những nơi có số hộ dân bị sạt lở đe dọa cao nhất.
Báo cáo của Ủy hội Sông Mekong được công bố năm 2018, tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu đang ngày càng giảm dần và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn trầm tích vào năm 2040. Nguyên nhân là do hàng loạt thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn. Một điều đáng báo động là khoảng 66% đường bờ biển trên toàn vùng ĐBSCL đang có nguy cơ sạt lở. Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, gia tăng cả về tần suất và quy mô.
Ông Hà Huy Anh, Quản lý dự án Cát bền vững thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) thông tin, năm 2020 khối lượng cát đổ về từ thượng nguồn từ 6,8 đến 7 triệu tấn/năm. Trong khi đó, lượng cát đang khai thác ở ĐBSCL nhiều hơn so với lượng cát đổ về.
Ông Hà Huy Anh phân tích, sự thiếu hụt trầm tích là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sụt lún, xói mòn đáy sông, bờ sông, bờ biển do trầm tích bị giữ lại ở thượng nguồn và hoạt động khai thác cát thiếu kiểm soát. Hiện nay, vùng ĐBSCL có 665 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở hơn 650km và khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 181 điểm với chiều dài hơn 172 km.
Việc phát triển kinh tế của ĐBSCL là cần thiết nhưng cũng cần phải dựa vào nhiều yếu tố. Ông Hà Huy Anh nêu rõ khi khai thác cát cần dựa trên trữ lượng cát ở đáy sông và việc xây dựng ngân hàng cát sẽ phân tích, đánh giá toàn diện vấn đề để các địa phương dựa vào đó khai thác cát phù hợp để phục vụ phát triển hạ tầng mà không làm trầm trọng thêm vấn đề sạt lở của vùng ĐBSCL. Đồng thời, cần nghiên cứu vật liệu sẵn có thay thế nguồn cát để phục vụ nhu cầu xây dựng của cả vùng.
“Nếu chúng ta khai thác quá sẽ dẫn đến việc thiếu cát. Thiếu cát có thể tạo ra những hố sâu ở lòng sông, làm thay đổi vận tốc dòng chảy và gây ra sạt lở đáy dòng sông, hệ quả cuối cùng dẫn đến là sạt lở bờ sông trong thời gian vừa qua. Như vậy, chúng ta thay vì khai thác cát dựa vào trữ lượng cát có ở đáy sông, chúng ta phải xem xét việc khai thác cát dựa vào lượng cát đổ về để đảm bảo rằng lượng cát đó có thể bồi lắp ngay cái hố sau khai thác”, ông Huy Anh phân tích.
Theo PGS - TS Huỳnh Công Hoài, Đại học Quốc gia TPHCM, lượng cát về ĐBSCL ngày một giảm do các đập thủy điện từ thượng nguồn chặn lại. Nguyên nhân thứ hai là do tác động của con người chính là khai thác cát thiếu kiểm soát, nhu cầu xây dựng tăng cao đẩy giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt và tất nhiên là việc khai thác cát sẽ phải đẩy mạnh để phục vụ nhu cầu. Thiếu hụt bùn cát, xây dựng các công trình, nhà cửa, làm đường cạnh bờ sông gây ra sạt lở, khai thác cát, đó là những nguyên nhân do tác động của con người và tác động này có thể thay đổi được để giảm thiểu sự xói lở.
PGS - TS Huỳnh Công Hoài chỉ rõ, lượng bùn cát về ĐBSCL giảm 50%, thì sạt lở tăng 90%, so với trước khi bùn cát bị thiếu hụt. Cụ thể, lượng bùn cát thiếu hụt từ năm 2008 đến 2017 thì điểm sạt lở ở ĐBSCL tăng từ 200 điểm lên đến 600 điểm. Nguyên nhân do thiếu hụt bùn cát là từ năm 2012, khi 2 nhà máy thủy điện lớn nhất ở thượng nguồn được xây dựng đã tích trữ hơn 2 tỷ mét khối, từ đó đã tăng sạt lở ở ĐBSCL. Đây cũng chính là tác nhân làm thiếu hụt lượng bùn cát ở hạ lưu. Trong khi đó, tình trạng khai thác cát thiếu kiểm soát ở các địa phương đang khiến cho tình trạng sạt lở trên toàn khu vực diễn ra nhanh và trầm trọng hơn.
“Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát. Khai thác cát ảnh hưởng rất nhanh đến sạt lở và ảnh hưởng cục bộ khu vực thác cát. Quy hoạch đường giao thông và khu dân cư xa bờ sông càng nhiều càng tốt, từ đó giảm thiểu được mức độ nguy hiểm, giảm được những công trình bảo vệ rất là tốn kém, mà công trình này chưa chắc đã có hiệu quả”, PGS - TS Huỳnh Công Hoài nói.
Nhiều kết quả khảo sát đã chỉ rõ, đáy của dòng sông Tiền và sông Hậu có sự thay đổi bất thường và đáng kể, xuất hiện nhiều vết cắt lòng sông và có sự gia tăng cả về kích thước và độ sâu của các hố ở đáy sông. Lượng trầm tích bị giảm đi lần lượt là 90 triệu m3 tại trên toàn tuyến sông Tiền và 110 triệu m3 tại sông Hậu.
Cát bị chặn bởi các đập thủy điện từ thượng nguồn và tình trạng khai thác cát thiếu bền vững thời gian qua đã khiến cho vùng ĐBSCL liên tục sạt lở từ sông ra tới biển. Điều này đã và đang khiến cho hàng trăm ngàn hộ dân hoang mang, lo lắng bởi sinh kế đang bị “đe dọa”. Trong khi đó, nhu cầu, áp lực cần nguồn vật liệu cát ngày càng bức bối hơn./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khai-thac-cat-thieu-kiem-soat-khien-dbscl-mong-manh-post1004567.vov